Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một bộ phận lớn lao động ở lĩnh vực nông nghiệp bắt buộc phải chuyển sang làm nghề phi nông nghiệp. Trong năm 2011 và những năm tới, tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp, sẽ có nhiều nhà máy, cụm, khu công nghiệp ra đời và cần một lượng lớn lao động có tay nghề. Tuy nhiên, phần lớn lao động ở lĩnh vực nông nghiệp hiện nay chưa qua đào tạo, chưa có tay nghề nên khi chuyển đổi ngành nghề sẽ rất khó tiếp cận. Vì vậy, đào tạo nghề cho lao động Hà Giang cần phải được coi như một trong các hoạt động ưu tiên của Hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương trong thời gian tới.
Để giải quyết những khó khăn, đồng thời xây dựng được nguồn nhân lực ổn định, bền vững, tỉnh Hà Giang đã có Nghị quyết về đào tạo nghề và phát triển nghề, giải quyết việc làm trong nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu lao động, coi đây là một giải pháp hữu hiệu nhằm trang bị cho người lao động hành trang kiến thức để tiếp cận với môi trường đòi hỏi kiến thức, tay nghề cao. Triển khai định hướng của tỉnh, các cơ sở đào tạo nghề đã phối hợp với các ngành, huyện, thị trấn, thành phố tổ chức tuyển sinh với những ngành nghề phù hợp thực tiễn của từng địa phương. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế công tác dạy nghề và giải quyết việc làm trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, đó là công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dạy nghề, lao động và việc làm cấp huyện cần phải được chấn chỉnh, kiện toàn bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn đảm nhận công tác này. Một số huyện chưa xây dựng được nghị quyết chuyên đề hoặc chương trình hành động thực hiện nghị quyết của tỉnh. Cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề còn khó khăn. Các trung tâm dạy nghề tuyến huyện thiếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên chất lượng ở các lớp dạy nghề ngắn hạn còn nhiều hạn chế. Mặt khác, lao động được đào tạo nhưng chủ yếu vẫn là nghề ngắn hạn, phổ thông nên chưa có nhiều lao động làm việc ở những môi trường đòi hỏi tay nghề cao, chuyên môn vững.
Thực hiện Nghị quyết này, nhiều huyện, thị trấn, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xây dựng chương trình hành động cụ thể cho đào tạo nghề, vì vậy công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ngày càng được chú trọng. Năm 2010, tỉnh Hà Giang đã thành lập thêm 6 trung tâm dạy nghề cấp huyện, nâng tổng số cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh lên 12 cơ sở. Các cơ sở dạy nghề đã bước đầu khắc phục khó khăn hoạt động có hiệu quả, mở được nhiều lớp đào tạo nghề cho người lao động. Chỉ tiêu đào tạo nghề ngắn hạn năm 2010 đã vượt 117% kế hoạch. Các ngành nghề đào tạo gồm: Công nhân kỹ thuật điện, điện tử, kỹ thuật nông - lâm nghiệp, sửa chữa ô tô, may mặc, mây tre đan... Đa số lao động qua đào tạo đã biết vận dụng kiến thức được học vào thực tế sản xuất, một số lao động sau đào tạo đã có việc làm tại các doanh nghiệp hoặc mở cơ sở dịch vụ, có thu nhập ổn định. Nhiều trung tâm đào tạo nghề đã gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo lý thuyết với thực hành thông qua các mô hình cụ thể. Ngày càng có nhiều lao động được đào tạo tay nghề, được giải quyết việc làm, thông qua các chương trình, dự án và qua xuất khẩu lao động.
Tỉnh xác định đến năm 2015 có trên 25% lao động qua đào tạo, đào tạo nghề đạt 18%. Trong giai đoạn 2011 - 2015 có khoảng gần 50 nghìn người trở lên được đào tạo nghề, hơn 6 nghìn người được đào tạo nghề dài hạn, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 8 - 9 nghìn lao động. Song song đó, khoảng 75 nghìn người được giải quyết việc làm, đa dạng các loại hình đào tạo, nhất là đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao động, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà xưởng cho các cơ sở dạy nghề. Đến năm 2015, ngoài trường Cao đẳng Nghề của tỉnh Hà Giang, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp Trung tâm dạy nghề ở 2 huyện: Bắc Quang, Yên Minh thành trường Trung cấp dậy nghề để đào tạo nghề dài hạn theo từng khu vực, 100% các huyện có Trung tâm Dạy nghề.
Với định hướng phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh Hà Giang đặt quyết tâm sẽ có một nguồn nhân lực ổn định, tay nghề vững, khả năng làm việc ở những môi trường lao động chuyên nghiệp./.
Lê Việt Dũng