Qua 5 năm hoạt động, tổng nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến công ở Hà Giang là trên 4.921 triệu đồng, hỗ trợ 90 dự án quy mô vừa và nhỏ phát triển sản xuất trong các lĩnh vực nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí…


Qua đó, đã có 1.890 lao động được hỗ trợ dạy nghề, nâng cao trình độ quản lí... Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX được sự hỗ trợ của Nhà nước đã phát triển, mang lại hiệu quả KT – XH và lợi ích thiết thực cho người lao động, phát huy được lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, góp phần XĐGN, thay đổi bộ mặt nông thôn. Từ sự hỗ trợ của nguồn kinh phí khuyến công, có nhiều ngành nghề mới được hình thành như thêu ren, gốm, một số nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như dệt thổ cẩm, sản xuất rượu…


Tuy nhiên, theo đánh giá, đối với các đề án đăng ký xin hỗ trợ về đào tạo lao động chủ yếu là lao động phổ thông, các đề án xin hỗ trợ về máy móc, thiết bị đa phần có quy mô, công suất vừa và nhỏ. Năng lực quản lí của các chủ cơ sở sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế. Phòng Công thương một số huyện, thị chưa phát huy được vai trò tham mưu cho UBND các huyện, thị trong việc triển khai các đề án khuyến công. Mức độ hỗ trợ cho các chương trình, đề án còn hạn chế, chưa có kinh phí hỗ trợ cho các đề án có tầm ảnh hưởng và vai trò hạt nhân thúc đẩy sự phát triển. Từ đó, dẫn đến một số kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Một số lĩnh vực TTCN phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng chưa cao, sức cạnh tranh chưa mạnh.

Nhận thức về công tác khuyến công của các cấp, kể cả đối tượng được hưởng còn hạn chế. Một số dự án khuyến công chất lượng, hiệu quả thấp. Vì vậy, việc đánh giá, phân loại 90 dự án đã đầu tư để tìm rõ những mặt được, chưa được, rút kinh nghiệm trong việc hỗ trợ thời gian tới là rất cần thiết nhằm đưa hoạt động khuyến công hiệu quả và thiêt thực hơn, góp phần phát huy tiềm năng và lợi thế địa phương.

 

CTV, Minh Hạnh