Cùng với sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu của thị trường, những năm gần đây lực lượng làng nghề trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhanh chóng góp phần tích cực thúc đẩy ngành Công nghiệp nông thôn của Tỉnh phát triển. Năm 2011, mặc dù có nhiều khó khăn do biến động bất lợi của thị trường nhưng các làng nghề tỉnh Hà Nam đã có những nỗ lực vượt bậc và thu được những thành quả đáng khen ngợi. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) của làng nghề năm 2011 đạt 1.925 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2010, giá trị xuất khẩu TTCN đạt 32 triệu USD, tăng 8,95% so với cùng kỳ và thu nhập bình quân từ nghề TTCN đạt từ 15-20 triệu đồng/người/tháng.
Nhóm hàng chế biến lương thực, thực phẩm và chế biến gỗ thực sự trở thành điểm sáng của ngành TTCN Hà Nam năm vừa qua. Với nhóm hàng chế biến lương thực, thực phẩm: Sản xuất bún, bánh cuốn, bánh đa, bánh đa nem, miến, bánh phở, đậu phụ phát triển mạnh mẽ và có giá trị sản xuất cao do đã được đầu tư máy móc vào sản xuất với năng suất cao, giá thành hạ, chất lượng sản phẩm ổn định và ngày càng được cải tiến. Một số làng nghề: bún, miến, bánh đa nem có giá trị sản xuất hàng trăm tỷ đồng, riêng mặt hàng bánh đa nem năm 2011 đạt 2,5 triệu USD giá trị xuất khẩu; Nhóm hàng chế biến gỗ cũng rất phát triển, do được trang bị nhiều máy móc phù hợp tạo năng suất lao động cao, hạ giá thành. Sản phẩm các làng nghề chế biến gỗ đạt giá trị sản xuất cao, nhiều sản phẩm gỗ dân dụng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài Tỉnh…
Sang năm 2012, trên cơ sở những thành quả đã đạt được của năm 2011 Sở Công thương tỉnh Hà Nam đã đặt mục tiêu đạt 19,5% mức độ tăng trưởng giá trị sản xuất TTCN (khoảng 2.281 tỷ đồng), giá trị xuất khẩu TTCN đạt 35,07 triệu USD, tăng 9,5% so với năm 2011.Để đạt được những mục tiêu trên, Sở Công Thương Hà Nam cho biết tỉnh sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho làng nghề; định hướng cho các địa phương lựa chọn ngành nghề thế mạnh để phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách và các giải pháp để khôi phục, duy trì và phát triển làng nghề, ngành nghề TTCN; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm CN - TTCN - làng nghề, đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm làng nghề; thực hiện các giải pháp thu hút, di chuyển các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu vực dân cư nông thôn hạn chế về mặt bằng sản xuất, hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp; xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động cho các làng nghề, cụm, điểm công nghiệp; định kỳ có kế hoạch tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ các tổ chức dịch vụ khuyến công, tập huấn về khởi sự và quản trị doanh nghiệp…
Bảo Ngọc