Làng dệt Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên (Hà Nam) lâu nay nổi lên nhờ sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng. Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ tiêu dùng thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Pháp và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Có dịp về làng Nha Xá mới hiểu hết được con người, công việc và một miền quê thanh bình có những tiếng thoi đưa.


Nằm sát triền đê sông Hồng thơ mộng, làng dệt Nha Xá giống như bao làng quê thanh bình khác của vùng đồng bằng Bắc bộ, chỉ khác biệt ở chỗ đi đến đâu cũng nghe thấy tiếng con thoi nhịp nhàng, tiếng dồn dập của khung cửi hoà với tiếng nói cười rôm rả của những người thợ. Tự hào khoe về sự ra đời và phát triển của làng dệt, ông Lê Như Thiều, Bí thư Chi bộ thôn Nha Xá dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng và không ngừng nói về sự đổi thay của một vùng chuyên về lụa. Đi trên con đường làng được trải bê tông phẳng lỳ lượn quanh co rợp bóng mát dẫn chúng tôi đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những ngôi nhà mái bằng nổi trội giữa nhưng vườn cây ăn quả được xen lẫn với những biệt thự xây dựng theo kiến trúc Pháp từ đầu thế kỷ 20 khiến cho vùng đất này vừa cổ kính vừa hiện đại. Ông Thiều, nguyên là Phó Bí thư Huyện uỷ Duy Tiên nên nắm chắc về vùng đất này, tự hào nói: "Làng dệt Nha Xá có 282 hộ với trên 700 nhân khẩu, trong đó có tới 80% dân số theo nghề dệt truyền thống". Chỉ một thống kê đơn giản đã nói lên hết truyền thống và niềm đam mê của thế hệ trẻ đối với nghề dệt. Làng dệt Nha Xá có từ khi nào, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác, nhưng có một số tài liệu còn ghi làng dệt này do cụ Trần Khánh Dư xây dựng và truyền lại. Tưởng nhớ công ơn của người đã khai sinh làng, người dân hàng năm vẫn tổ chức những nghi lễ linh thiêng tại ngôi đình thờ thành hoàng Trần Khánh Dư.

Theo nhiều người cao tuổi trong làng, vào những năm 1930 và 1940 làng nghề phát triển rất hưng thịnh, lụa Nha Xá đã được đưa đi mọi nẻo đường của đất nước, từ Hà Nội đến Đà Nẵng, thậm chí vào tận Sài Gòn thời bấy giờ. Người dân Nha Xá có điều kiện đi nhiều nơi và giao lưu buôn bán với các vùng miền khác nhau đã du nhập những kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến về áp dụng cho sản xuất. Từ chỗ dệt những tấm vải có khổ 30 cm bằng kỹ thuật thủ công, nay đã áp dụng những công nghệ dệt tiên tiến nhất trên thế giới, dệt những mẫu vải khổ lớn có chiều dài theo ý muốn.

Hiện tại làng có 170 máy dệt trơn, 54 máy dệt đầu giao và có 7 máy dệt kiếm là loại máy tiên tiến bậc nhất trên thị trường nước ta. Áp dụng công nghệ tiên tiến, cao điểm nhất sản lượng lụa của làng làm ra đạt 1,8 triệu mét/năm. Gia đình chị Lương Thị Hồng Quyên đã có 4 đời làm nghề dệt cho biết: Để làm ra một sản phẩm phải trải qua rất nhiều giai đoạn, từ việc chọn nguyên liệu, quay ra ống, mang ra mắt, đến lược đánh tơi rồi cho vào máy để dệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây do nguồn nguyên liệu khan hiếm cộng với thị trường tiêu thụ bấp bênh đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới nghề dệt của làng. Để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, gia đình chị đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 7 máy dệt suốt, còn gọi là máy kiếm. Hiện cả làng chỉ có gia đình chị Quyên đầu tư loại máy dệt này.

Gia đình anh Nguyễn Tiến Quảng mạnh dạn đầu tư 6 máy dệt lụa hoa cách đây 10 năm đã khẳng định được công nghệ dệt tiên tiến. Anh Quảng cho biết, bình quân mỗi ngày xưởng cho ra 100 mét vải, tương đương 100 m2. Nhân lực của gia đình gồm 2 lao động không thể cáng đáng hết công việc, anh đã phải thuê thêm 2 lao động với mức lương ổn định 2 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của gia đình anh Quảng rất đa dạng về mẫu mã và giá thành, từ lụa trơn đến lụa hoa, thậm chí có thể in cả tên, số điện thoại, địa chỉ... (nếu có yêu cầu). Giá thành của sản phẩm cũng đa dạng, có loại chỉ vài chục nghìn đồng/mét, cũng có loại hàng trăm nghìn đồng/mét. Không những phục vụ tiểu thương các vùng lân cận, anh còn chủ động liên hệ và xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản... Có việc làm thường xuyên và ổn định, doanh thu hàng năm trừ chi phí sản xuất thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Sản phẩm của làng dệt Nha Xá nay đã nổi tiếng và bay xa, nhưng để duy trì và phát triển làng nghề, nhất là xây dựng được thương hiệu dệt Nha Xá bền vững thì còn rất nhiều khó khăn. Ông Thiều tâm sự: "Chúng tôi muốn mở rộng sản xuất và phát triển những mẫu mã sản phẩm mới như lụa chống nhăn, lụa mỏng phục vụ hội hoạ... cần rất nhiều vốn và phải tìm được đối tác tin cậy. Hơn nữa, toàn bộ sản phẩm của làng đều được làm bằng tơ tằm, trong khi đó nguồn cung cấp nguyên liệu ngày một khó, nếu như trước đây nguyên liệu này có sẵn trong tỉnh thì nay phải nhập tận Nghệ An với nguồn cung không ổn định". Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm lụa tơ tằm trong và ngoài nước đa dạng chủng loại, mẫu mã và chất lượng, vậy nên người dân Nha Xá luôn xác định hướng đi cho mình là tập trung vào chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu bền vững để trụ vững trên thị trường./.
 

 

Đức Phương