Trong nhiều năm qua, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Hà Nam được triển khai trên cơ sở luôn đổi mới về phương thức hoạt động đã hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển và mở rộng.

 

Thông qua các đề án, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, năng lực máy móc thiết bị, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động thuộc các ngành nghề như: may mặc, dệt vải, thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, sản xuất khung tranh ảnh,... Các cơ sở CNNT thụ hưởng chính sách khuyến công đã tăng trưởng đáng kể về doanh thu, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực. Sự hỗ trợ kịp thời của chính sách khuyến công đã góp phần giúp các cơ sở CNNT vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Công tác khuyến công đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy CN – TTCN nông thôn phát triển góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH-HĐH, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tăng giá trị sản xuất CN-TTCN của tỉnh.

 

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hỗ trợ ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế nên nội dung hoạt động khuyến công hoạt động còn nghèo nàn; đối với những đề án, dự án có quy mô lớn triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Chưa xây dựng được mạng lưới cán bộ khuyến công ở các xã, huyện dẫn đến việc tìm kiếm, tư vấn hướng dẫn cơ sở CNNT xây dựng đề án còn hạn chế;...

 

Các cơ sở CNNT trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ, trình độ quản lý, nguồn tài chính thiếu và yếu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, đầu tư thiếu đồng bộ, sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu dẫn đến sản xuất kinh doanh còn hạn chế; chất lượng lao động cũng như việc đào tạo lao động ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT còn thiếu kiến thức về quản trị, thị trường, quản lý sản xuất nên chưa phát huy và khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của doanh nghiệp vì vậy gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch khuyến công.

 

Để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công trên địa bàn cũng như đổi mới phương thức hoạt động khuyến công trong thời kỳ mới, Hà Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động khuyến công thực sự trở thành động lực cho sự phát triển CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn.

 

Theo đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, liên kết giữa các cơ quan, ban ngành và các cơ sở CNNT trong hoạt động khuyến công của tỉnh; thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT để có giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất thích hợp; Giới thiệu tuyên truyền về hoạt động khuyến công, thông qua các hội thảo, hội nghị, báo, đài địa phương để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận và hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển CN-TTCN. Xây dựng chương trình khuyến công gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của ngành. Lồng ghép chương trình công tác khuyến công hàng năm vào các chương trình chung của tỉnh vào để thực hiện, vận dụng tối đa các chính sách liên quan hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn.

 

Ngoài nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện cấp hàng năm cho hoạt động khuyến công, cố gắng tranh thủ tối đa các nguồn vốn khác kể cả kết hợp, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, chương trình phát triển ngành nghề nông thôn và chương trình khác để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất CNNT trên cơ sở tăng cường công tác thu thập, nắm bắt thông tin về nhu cầu của cơ sở CNNT để xây dựng kế hoạch, dự án sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

 

Củng cố tổ chức hoạt động của Trung tâm Khuyến công, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong công tác hỗ trợ khuyến công. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện các đề án hỗ trợ cơ sở CNNT đầu tư đổi mới thiết bị máy móc, công nghệ phù hợp nhằm nâng cao năng lực, phát triển sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn lực sẵn có; Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, kiến thức quản trị, điều hành doanh nghiệp, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Phương Anh