Hà Nội hiện có khoảng 1.300 làng có nghề, trong đó gần 300 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, với nhiều loại hình nghề nghiệp như gốm sứ, sơn mài, đúc đồng, mây tre đan, khảm trai, đồ gỗ mỹ nghệ…


Nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng làng nghề, khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển làng nghề bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề theo Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND ngày 04/8/2014.


Đối tượng nhận được sự hỗ trợ là các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể thành lập và hoạt động theo quy định của pháp thực hiện việc khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có khả năng bị mai một, làng nghề kết hợp với du lịch theo quy hoạch được UBND Thành phố phê duyệt.


Chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ 3 nội dung, gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu làng nghề; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề. Theo đó, với nội dung hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, bao gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề từ 3 tháng đến 1 năm, hỗ trợ 100% học phí và tiền mua tài liệu theo quy định của cơ sở đào tạo, thời gian đào tạo cho từng ngành nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Người lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo nghề một lần.


Hỗ trợ tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp: Thực hiện theo quy định tại điểm e, khoản 1, điều 6 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT ngày 18/02/2014 của liên Bộ Tài Chính - Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.


Với nội dung hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu làng nghề: Được hưởng chính sách xúc tiến thương mại theo quy định tại các Điều 5, 6, 7 Thông tư số 88/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề để thực hiện các nội dung: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; Đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề; Tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề. Mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/01 làng nghề/01 nội dung. Các làng nghề được đăng ký nhiều nội dung đề nghị hỗ trợ.


Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề, gồm: Hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường: mức hỗ trợ là 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn.Việc xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề được hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua vật tư xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, khu trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, nhưng không quá một (01) tỷ đồng/làng nghề.

 


Như Kim