UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy định về chính sách phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố. Với đối tượng thụ hưởng là những làng nghề truyền thống bị mai một và các làng nghề kết hợp du lịch, Hà Nội tiếp tục tạo thêm động lực cho khu vực làng nghề của thành phố phát triển.

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 286 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Thời điểm hiện tại, trong khu vực làng nghề đã có 175.889 hộ gia đình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 2.063 công ty cổ phần; 4.562 công ty TNHH; 1.440 doanh nghiệp tư nhân; 164 Hợp tác xã… Lực lượng này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển về kinh tế, văn hóa của thành phố.


Nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất nhập khẩu, một số làng nghề trên địa bàn thành phố đã có sự phát triển nhảy vọt, tạo ra giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm như: Làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), mộc Chàng Sơn (Thạch Thất), gốm Bát Tràng (Gia Lâm), dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông)… Đáng lưu ý, không ít các làng nghề này đã phát triển gắn với du lịch, tạo nên đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh. Cũng tạo nên nét đặc sắc cho du lịch làng nghề của thành phố.


Thế nhưng, bên cạnh những làng nghề theo kịp sự thay đổi của thị trường vẫn có một số làng nghề “tụt hậu”, dần rơi vào mai một. Có thể kể ra: Làng nghề sơn mài Đông Mỹ (Thanh Trì), giấy dó Vân Canh (Hoài Đức), dâu tằm tơ Thụy An ( Mê Linh), tre trúc Xuân Thủy (Sóc Sơn), thêu ren Bình Đà (Thanh Oai)…
Số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội cũng cho thấy, thành phố hiện có khoảng 21 làng nghề truyền thống bị mai một. Đây thực sự là điều rất đáng tiếc, bởi các làng nghề này không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của thủ đô.


Trên thực tế, sự mai một của một số làng nghề truyền thống chủ yếu là do các làng nghề không nhanh chóng thay đổi được mẫu mã, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng. Ngoài ra, vốn cho sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất tại làng nghề là vốn tự có của các hộ gia đình. Việc tiếp cận vốn vay cũng còn nhiều khó khăn do thủ tục về thế chấp tài sản.


Cũng do thiếu vốn, việc đầu tư đổi mới máy móc thiết bị cho sản xuất tại các làng nghề cũng khá hạn chế dẫn tới năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu. Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động, thiếu mặt bằng cho sản xuất, cơ sở hạ tầng không theo kịp sự phát triển… cũng khá phổ biến tại các làng nghề này.


Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định ban hành Quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố. Quy định này áp dụng cho việc khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có khả năng mai một và làng nghề kết hợp với du lịch đã được UBND thành phố phê duyệt.


Theo đó, thành phố sẽ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp cho các cơ sở sản xuất tại làng nghề. Hỗ trợ 100% học phí cho lao động học nghề.


Thành phố cũng sẽ hỗ trợ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề. Cụ thể, thành phố hỗ trợ 100% kinh phí cho các cơ sở tham gia đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu. Tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho làng nghề. Ngoài ra, với các cơ sở tham gia các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh miền Trung và miền Nam được hỗ trợ thêm 50% cước phí vận chuyển hàng hóa. Mức hỗ trợ tối đa không quá 6 triệu đồng/cơ sở/năm.


Về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, với những cơ sở đầu tư xây dựng mới công trình xử lý nước thải, chất thải tại các làng nghề có mức độ ô nhiễm cao. Thành phố hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải chất thải tập trung. Với những làng nghề kết hợp với phát triển du lịch, thành phố hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua vật tư xây dựng bãi đỗ xe, khu trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/làng nghề.


Hà Nội vốn dành nhiều ưu đãi cho khu vực làng nghề phát triển. Tuy nhiên, với những cơ chế hỗ trợ đặc thù Hà Nội sẽ tạo nên một sức sống mới cho các làng nghề truyền thống bị mai một và làng nghề phát triển gắn với du lịch.


Phạm Kim