9 tháng đầu năm 2009, tình hình xuất khẩu của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực so với các nước trong khu vực, nhưng chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản, công nghệp chế biến đều giảm. Thị trường châu Âu tăng 9,4%, nhưng thị trường châu Mỹ và châu Á, châu Đại Dương đều giảm. Bộ Công Thương đánh giá, 3 tháng cuối năm có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng xuất khẩu của cả nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về giá, năng lực cạnh tranh cùng những rào cản sự bảo hộ của các nước. Vì vậy, muốn hoàn thành kế hoạch xuất khẩu cần có sự nỗ lực, cố gắng cao, chủ động, tích cực của các doanh nghiệp kết hợp với biện pháp chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đề cập nhiều vấn đề ảnh hưởng tới hiệu quả xuất khẩu như sự bất hợp lý, chưa phù hợp với thực tế của một số cơ chế chính sách, nhất là chính sách thuế, thủ tục hải quan; chính sách sử dụng lao động, quy định thẩm định hàng hóa xuất khẩu… Đa số doanh nghiệp đề nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện để có nhiều doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn vốn này, có cơ chế điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, bảo đảm quyền lợi cho các nhà xuất khẩu…
Thứ trưởng Bùi Xuân Khu phân tích, làm rõ hơn một số yếu tố có tác động tới xuất khẩu, cả mặt thuận lợi và khó khăn để doanh nghiệp, các ngành nhận thức đầy đủ hơn, cùng năng động, sáng tạo mở rộng thị trường xuất khẩu. Những kiến nghị của doanh nghiệp một phần được giải đáp ngay tại hội nghị, còn lại được Bộ Công Thương tổng hợp, đề xuất với Chính phủ hoặc chuyển các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, giải quyết, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Trung Thành, Báo CT