Hải Phòng hiện có 5 cụm công nghiệp (CCN) có quyết định thành lập mới hoặc có quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết, đã và đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.


Các cụm công đã có Quyết định thành lập gồm: các CCN Quán Trữ, Vĩnh Niệm, Tân Liên (giai đoạn 1), An Lão và CCN tàu thủy An Hồng với tổng diện tích 183,31 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 124,91ha, đã cho thuê 117,49 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 94,06%. Tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN này ước đạt gần 300 tỷ đồng. Đến tháng 3/2013, 5 CCN đã thu hút được 80 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.507,83 tỷ đồng. Hiện tại, có 63 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn thực hiện ước đạt 3.340,15 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 11.669 lao động, trong đó có 161 người lao động nước ngoài. Diện tích đất công nghiệp cho thuê là 120,21 ha/124,91 ha đạt tỷ lệ lấp đầy là 96,24%.

 

 Hiện nay, hầu hết các huyện ở Hải Phòng đều có các cơ sở sản xuất, gia công cơ khí- luyện kim như: rèn, hàn, đột dập, sửa chữa cơ khí, đúc kim loại …. Tuy nhiên, phát triển mạnh ở các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy, An Lão và tập trung ở các thị tứ, thị trấn, trong đó các cơ sở đúc và luyện kim ở huyện Thủy Nguyên phát triển mạnh nhất (Cụm làng nghề đúc Mỹ Đồng). Các cơ sở sản xuất các phương tiện vận tải thủy, tàu thuyền đánh cá tập trung ở các huyện, thị xã gắn với biển như Thủy Nguyên, Cát Hải

.Ngoài ra trên địa bàn nông thôn còn phát triển mạnh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như sửa chữa, bảo trì, gia công cơ khí … của các hộ gia đình theo hướng khá đa dạng, phục vụ tại chỗ nhu cầu dân cư ở từng vùng.Ngành dệt may, da giày từ năm 2009 đến nay đã phát triển nhiều cơ sở dệt may, da giầy, thu hút số lượng lớn lao động nông thôn trên địa bàn như: huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên…, đóng góp giá trị SXCN ngành dệt may chủ yếu được tập trung nhiều trên địa bàn các huyện. Đặc biệt, do có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, ngành sản xuất VLXD với các sản phẩm chính là: ngói, gạch tuy nen, đá, xi măng chủ yếu phát triển mạnh tại các huyện Thuỷ Nguyên, An Lão, Kiến Thụy.

 

Mục tiêu của Hải Phòng thời gian tới là xây dựng và phát triển mạnh các nghề mới, sử dụng nhiều lao động, phát huy ngành nghề truyền thống tạo ra những sản phẩm đặc thù hướng vào xuất khẩu; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thuộc mọi thành phần kinh tế ổn định, lâu dài, nâng cao năng lực cạnh tranh; Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, động viên huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp ở nông thôn.

 

Để đạt mục tiêu này, Thành phố Hải Phòng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề theo hình thức ngắn hạn; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp và áp dụng sản xuất sạch hơn trong CN; phát CN-TTCN và làng nghề gắn với quy hoạch các cụm, điểm CN; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các CCN và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sản xuất sạch hơn, sản phẩm thân thiện với môi trường; Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn tài trợ cho hoạt động khuyến công. Triển khai đồng bộ các nội dung hoạt động khuyến công đối với các ngành nghề sản xuất sản phẩm, dịch vụ: CN chế biến nông - lâm – thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất hàng CN phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế nhập khẩu; Công nghiệp hỗ trợ; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí điện, điện tử - tin học; sản xuất, gia công chi tiết bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ. Công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp nông thôn. Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở SXCN, xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT.

 

Khánh Chi