Sau 10 năm tách tỉnh, Hậu Giang đã phát triển được 21 hợp tác xã đan lát và kết cườm, trong đó phần lớn là các cở sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, sử dụng nguyên liệu từ cây lục bình.

 

Thông qua việc tổ chức hơn 100 lớp dạy nghề, tỉnh này đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi tại vùng nông thôn. Thu nhập của người lao động trong 2 năm gần đây đã tăng lên, đạt 2 - 3 triệu đồng/tháng. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã góp phần rất lớn trong việc xóa nghèo cho hàng ngàn gia đình không có đất sản xuất tại nông thôn.


Nghề đan giỏ lục bình xuất hiện đầu tiên tại một vùng quê thuộc xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ban đầu chỉ có vài chị em làm nghề, đến nay đã phát triển thành hợp tác xã, với số lao động khoảng 200 người. Một trong những người đầu tiên làm nghề thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình và mạnh dạn đứng ra thành lập hợp tác xã Thanh Tú, đó là chị Lê Thị Ngọc Thu - người chủ nhiệm trẻ tuổi đã sáng tạo mẫu các sản phẩm để chị em theo đó làm. Không chỉ lo chuyện quản lý, tính toán công việc sản xuất, kinh doanh, chị Thu còn trực tiếp cùng chị em làm ra nhiều sản phẩm. Bà con làm nghề thủ công mỹ nghệ ở đây rất an tâm, vì nguyên liệu là cây lục bình khô, được hợp tác xã cung ứng đầy đủ và sản phẩm làm ra cũng được đơn vị tiêu thụ theo hợp đồng, có lợi cho cả đôi bên. Đây cũng là nghề dễ làm, không cần vốn liếng, nhẹ nhàng, lúc rãnh rỗi là có thể làm ngay.


Nghề đan giỏ lục bình ban đầu có thu nhập thấp, do tay nghề chưa thành thạo và nguồn nguyên liệu tại địa phương không nhiều. Hơn nữa, do thiếu vốn liếng để thu mua nguyên liệu dự trữ và đầu ra tiêu thụ cũng còn mới mẻ, nên giá bán sản phẩm cũng không cao. Mấy năm gần đây, hợp tác xã từng bước khắc phục khó khăn, tự lực phấn đấu vươn lên, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả cho tập thể và gia đình người lao động tại nông thôn.
Chị Mai Thị Kim Loan, xã Vị Thắng, Vị Thủy, Hậu Giang cho biết: Nghề lục bình dễ kiếm, dễ làm. Mấy năm đầu, thu nhập chỉ có vài trăm ngàn/tháng. Bây giờ làm nhiều, mỗi tháng thu nhập 2,5 triệu đến 3 triệu/tháng, mà mình lại không phải lo vốn... xã Vị Thắng nhờ có HTX, có làng nghề, cuộc sống gia đình nay thoải mái.


Theo Chị Lê Thị Ngọc Thu Chủ nhiệm HTX Thanh Tú, thì hướng tới sẽ tiếp tục mở lớp dạy nghề thêm cho bà con, sáng tạo ra thêm các mẫu mã mới, làm thêm sản phẩm dây nhựa, dây cói… và cũng hướng đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ dạy nghề thêm 300 lao động và cho vay vốn 200 triệu đồng.


Mấy năm gần đây, các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ ở tỉnh Hậu Giang đã cơ bản chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất quanh năm, theo hướng sản xuất hàng hóa. Đầu ra tiêu thụ sản phẩm cũng được giải quyết ngày càng tốt hơn. Mong muốn của các hợp tác xã hiện nay là được hỗ trợ đào tạo nghề, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, để phát triển và mở rộng quy mô sản xuất.


Ông Phạm Văn Ân, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương Hậu Giang cho biết: Ngành Công Thương đã hỗ trợ tích cực trong vấn đề đào tạo nghề, xúc tiến thương mại cho những cơ sở có điều kiện phát triển sản xuất. Ngoài hỗ trợ tay nghề, ngành Công Thương cũng đang đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm về kỹ thuật, máy móc, thiết bị và kinh phí để làm ra sản phẩm có chất lượng cao, tạo đầu ra ổn định cho các cơ sở và HTX.


Giải quyết được công tác hỗ trợ đào tạo nghề, thiết bị, kỹ thuật và nguồn vốn, tỉnh Hậu Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ phát triển mở rộng, theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững. Qua đó, toàn Tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xóa nghèo tại các vùng nông thôn./.


LH