Từ năm 2008, UBND huyện và Phòng Công Thương huyện Thăng Bình đã tổ chức đưa 14 hộ nông dân được đưa đi học nghề chế biến nông sản ở tỉnh Hà Tây (cũ). Sau khi trở về, họ áp dụng thành công tại hộ gia đình và làm ăn ngày càng hiệu quả tại thôn Vinh Đông, xã Bình Trị. Điển hình nhất là 2 mô hình chế biến nông sản: cơ sở sản xuất bánh đa nem Hương Huệ và cơ sở sản xuất bún phở khô Phước Liên.

Gia đình chị Hương có 5 nhân khẩu, mỗi năm sản xuất 6 sào lúa và màu, nhưng do phụ thuộc nước trời nên năng suất thường bấp bênh. Cuộc sống gia đình vì vậy rất khó khăn. Tháng 6-2008, sau khi được học nghề sản xuất bánh đa nem, chị bàn với chồng vay vốn ngân hàng, bạn bè trên 70 triệu đồng để mua sắm máy xay bột, nồi hơi hấp, vỉ phơi, nguyên liệu… Theo chị Hương, việc sản xuất bánh đa nem cũng đơn giản, gạo đem ngâm rồi xay bột nước, bột nước được tráng trên băng vải phẳng rộng 40cm cho chạy qua nồi nước sôi đã đun trước và đưa vào để bánh trải trên vỉ và đem phơi. Sau khi bánh khô, lột bánh đem cắt và đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ
Hiện tại cơ sở của chị Hương có 6 lao động thường xuyên sản xuất, đóng gói và giao hàng, chủ yếu là lao động nữ, công việc cũng không vất vả nhưng thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/tháng/người. Mỗi ngày, cơ sở của chị Hương sản xuất 100kg gạo, sau khi trừ chi phí mỗi tháng gia đình chị có thu nhập 4,8 - 5 triệu đồng. Thời gian đến, chị dự tính sẽ mua sắm thêm vỉ phơi để sử dụng hết năng suất thiết bị, mở rộng diện tích sân phơi, xây lò sấy và nhà phơi để sản xuất bánh trong mùa mưa, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… nhằm nâng cao thu nhập. Ưu điểm của bánh đa nem Hương Huệ là hợp với khẩu vị người tiêu dùng, nhờ bánh mềm, mỏng lại dẻo, không rách, không giòn và không có vị mặn như các loại bánh trên thị trường nên được nhiều người ưa chuộng.
Cũng như chị Liên, sau khi được đi học nghề, anh Đàm Văn Phước đã mạnh dạn vay vốn 47 triệu đồng để đầu tư mua máy móc thiết bị sản xuất bún, phở khô. Hiện nay, mỗi ngày anh thu nhập gần 100 nghìn đồng từ nghề trên. Đây là nguồn thu không nhỏ so với nghề nông.
Những mô hình được nông dân huyện Thăng Bình học tập từ tỉnh Hà Tây là những mô hình chế biến nông sản có qui mô sản xuất nhỏ tại hộ gia đình. Sản phẩm được chế biến từ gạo nguyên chất, kỹ thuật chế biến đơn giản dễ học và dễ áp dụng, nguồn vốn đầu tư ít, từ 5 - 7 triệu đồng/cơ sở, các thao tác điều khiển bằng thủ công, lao động trong gia đình đều có thể làm được; nguyên liệu khai thác tại chỗ rất thuận lợi, sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ rộng, giá cả sản phẩm hợp lý. Qui mô của mô hình phát triển phù hợp với điều kiện hộ gia đình nông thôn. Trong 14 hộ học nghề đã có 4 hộ sản xuất bún tươi, 5 hộ sản xuất bún khô, 2 hộ sản xuất bánh đa nem và 3 hộ sản xuất bánh tráng. Có 5 cơ sở mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất từ 50 - 70 triệu đồng/máy và sản xuất những sản phẩm mới đạt chất lượng cao, mẫu mã đa dạng được thị trường chấp nhận.
Hiện nay, các sản phẩm bún khô, phở khô, bánh đa nem, bánh tráng đã có thị trường tiêu thụ mạnh và vươn ra ngoài tỉnh bạn như Đắc Lắc và TP.Đà Nẵng, mỗi cơ sở sản xuất bình quân 1-2 tạ gạo/ngày, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các chủ cơ sở còn tận dụng được sản phẩm trong quá trình chế biến để chăn nuôi đem lại nguồn thu nhập không nhỏ. Tiêu biểu trong áp dụng các mô hình chế biến nông sản đem lại hiệu quả cao ngoài chị Đặng Thị Hương và anh Đàm Văn Phước (ở thôn Vinh Đông, xã Bình Trị) còn có anh Huỳnh Viết Tiến (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều), anh Võ Văn Thành và Huỳnh Văn Mỹ (thôn An Bình, xã Bình Chánh)...
Được biết, hiện nay huyện Thăng Bình đang thực hiện nhiều giải pháp về công tác qui hoạch, vốn đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách và cơ chế khuyến khích đầu tư, về thị trường, môi trường để nhân rộng những mô hình chế biến nông sản trên địa bàn huyện, giúp nông dân vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
 

CTV.Thanh Hương