Năm 2009, cả nước đã có khoảng 150 mô hình trình diễn kỹ thuật được thực hiện với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công.

Theo đánh giá của các địa phương, hầu hết các mô hình đều đem lại những kết quả khá khả quan như: đơn vị tham gia trình diễn có nhiều cơ hội để đầu tư công nghệ, tích lũy kinh nghiệm nhờ được tư vấn, hỗ trợ cả vốn và kỹ thuật. Những đơn vị tham quan cũng có nhiều cơ hội học hỏi, tìm hiểu, rút kinh nghiệm về những mô hình làm ăn mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều

Xây dựng mô hình trình diễn nâng cao năng lực cạnh tranh

Từ xưa tới nay, việc chế biến tôm, cá làm khô ở Trà Vinh chủ yếu là phơi nắng hoặc sử dụng lò sấy tự chế nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo, năng suất thấp, tốn nhiều công lao động, gây ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất cao rất khó cạnh tranh trên thị trường. Nhằm nâng cao năng lực sản xuất, giảm công lao động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến thủy sản, đồng thời nhân rộng cho những nơi khác áp dụng, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã hỗ trợ cơ sở của anh Dương Tiến Hải xây dựng mô hình trình diễn máy sấy tôm, cá khô theo tiêu chí: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Máy sấy tôm, cá khô này do Công ty cơ khí Kiên Giang lắp đặt.

Với công nghệ sấy bằng hơi nóng gián tiếp thông qua bộ trao đổi nhiệt, bụi và mùi carbon, lưu hùynh của than đá không vào trực tiếp buồng sấy nên chất lượng tôm, cá khô được đảm bảo, dây chuyền đã giảm được công lao động đảo tôm, cá trong quá trình sấy. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng và vệ sinh an tòan thực phẩm làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ thành công này, anh Hải đã quyết định đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm, mở rộng thị trường.

Tháng 8 vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Long An kết hợp với DNTN Thuận Lợi tại ấp Mới, xã Bình Tân (Long An) tổ chức giới thiệu mô hình "trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch bằng công nghệ lò đứng" nhằm giúp cơ sở sản xuất gạch tận dụng lượng trấu làm chất đốt. Do nhiên liệu được đốt liên tục nên lượng khói thải thấp, hạn chế đáng kể tình trạng gây ô nhiễm môi trường (lưu lượng khí thải giảm 11,5 lần, lượng SO2 và CO2 giảm 6 lần). Công suất có thể đạt 1.943.000 viên gạch/năm (lò thủ công chỉ khoảng 1.200.000 viên), giảm tỷ lệ gạch phế phẩm xuống từ 2,5 - 5% (lò thủ công khoảng 10%). Tăng lợi nhuận từ 1,2 tỷ đồng lên 2,5 tỷ đồng/ năm.

Mỗi lò gạch đạt công suất 2 triệu viên gạch/tháng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 65 lao động. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Long An cũng dành 40 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2009 hỗ trợ Doanh nghiệp tư nhân Tân Sơn Lộc (huyện Khánh Sơn) xây dựng mô hình trình diễn cải tiến quy trình sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và trang trí nội thất. Đề án có tổng vốn đầu tư 445 triệu đồng, quy mô công suất 400 sản phẩm các loại/năm. Sau khi thực hiện đề án sẽ có 23 lao động được giải quyết việc làm ổn định, doanh thu của doanh nghiệp dự kiến hơn 1,7 tỷ đồng/năm .

Ông Hà Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình cho biết: năm 2009, Trung tâm được giao thực hiện xây dựng 7 mô hình trình diễn kỹ thuật bao gồm: Sản xuất gỗ và nội thất; sản xuất ống nhựa chịu nhiệt; công nghệ nung sứ; công nghệ hàn cắt cấu kiện thép tự động; xử lý nước thải nhà máy tẩy nhuộm; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến tôm xuất khẩu; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật thêu bằng máy. Hầu hết các dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần nhân rộng mô hình sản xuất, tăng giá trị sản xuất của DN, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời, giới thiệu địa điểm thu mua nông sản, làm tăng giá trị mặt hàng nông nghiệp của nông dân, quảng bá sản phẩm cho các DN tham gia xây dựng mô hình, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại các vùng nông thôn.

Những kinh nghiệm hay

Theo các chuyên gia, để mô hình trình diễn có hiệu quả, điều quan trọng là phải biết lựa chọn mô hình phù hợp lợi thế địa phương với phương án kinh doanh hợp lý. Ông Hà Văn Hải, giám đốc Trung tâm khuyến công Thái Bình, cho biết: Kinh nghiệm của Thái Bình trước hết là phải biết tận dụng sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các Bộ, ngành, địa phương. Bản thân Trung tâm khuyến công phải có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tinh thông nghề nghiệp, có cơ sở máy móc thiết bị và phương tiện đủ mạnh để có điều kiện tổ chức triển khai mô hình trình diễn kỹ thuật.

Trung tâm cũng phải làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nội dung, đối tượng, chương trình tổ chức thực hiện, giúp cho các DN, nhà đầu tư thấy rõ để tham gia. Biết lựa chọn đối tượng, ngành nghề đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội. Công tác tổ chức, xây dựng mô hình và triển khai thực hiện phải có kế hoạch, có sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể giữa trung tâm và đơn vị phối hợp (chủ đầu tư). Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát trong và sau quá trình triển khai thực hiện, kịp thời khắc phục khó khăn, rút kinh nghiệm, mở rộng sản xuất, nhân rộng mô hình

Còn nhiều băn khoăn

Thực tế, việc tổ chức, nhân rộng mô hình, áp dụng vào thực tế ngày càng hiệu quả nên được các địa phương đánh giá rất cao. Đa số các mô hình trình diễn khi được nghiên cứu triển khai đều có hiệu quả vượt trội hơn hẳn so với trước. Tuy vậy, để khuyến khích xây dựng được mô hình để rút ra được bài học kinh nghiệm nhằm nhân rộng mô hình, duy trì trong các năm tiếp theo dường như vẫn còn là bài toán khó. Lý do là nguồn kinh phí hỗ trợ quá ít so với lượng vốn yêu cầu.

Ví dụ, tỉnh ĐăkLăk có hẳn nghị quyết về việc chuyển đổi công nghệ chế biến cà phê khô sang chế biến cà phê ướt nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất, giảm lượng hao hụt, tăng giá trị xuất khẩu. Lợi ích thì ai cũng thấy rõ nhưng do yêu cầu vốn để đầu tư thiết bị chuyển đổi công nghệ khá lớn nên đã gây cản trở không ít cho các doanh nghiệp nhỏ. Trước đây, Thông tư 36 quy định mức hỗ trợ tối đa từ nguồn kinh phí khuyến công là 150 triệu đồng cho 1 dự án, trong khi có những dự án thuộc lĩnh vực cơ khí, chế biến sâu cần tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ, trình độ quản lý, khả năng tiếp cận kỹ thuật tiên tiến còn nhiều hạn chế nên việc xây dựng, duy trì mô hình còn khó khăn.

Được biết, vừa qua Liên Bộ Tài chính-Công Thương đã ra Thông tư liên tịch 125 cho phép nâng mức hỗ trợ tối đa lên 250 triệu đồng/dự án. Điều này đã mở ra hy vọng mới cho các doanh nghiệp muốn xây dựng mô hình trình diễn. Tuy nhiên, với số vốn bỏ ra mấy chục tỷ đồng thì số vốn hỗ trợ này vẫn chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ. Vì vậy, các doanh nghiệp rất mong muốn được tăng mức hỗ trợ kinh phí, đồng thời Nhà nước có thêm các giải pháp hỗ trợ về thị trường, kỹ thuật để giúp các nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Khánh Chi