Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nước ta đang gặp khó khăn trong nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến do thiếu kinh phí. Ngoài ra, sự hỗ trợ của Nhà nước chưa sát sao, phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, loại hình doanh nghiệp này rất yếu thế trong cạnh tranh, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm...



Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu- Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về trình độ sử dụng công nghệ, chỉ có khoảng 8% số DNNVV đạt trình độ công nghệ tiên tiến (phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Còn về doanh nghiệp trong nước, hầu hết đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Đặc biệt, khả năng cạnh tranh về công nghệ của các doanh nghiệp phía Bắc là rất thấp. Chỉ tiêu về sử dụng công nghệ thông tin cũng cho thấy, tuy số doanh nghiệp có sử dụng máy vi tính lên đến hơn 60% nhưng chỉ có 11,55% doanh nghiệp có sử dụng mạng nội bộ - LAN, số doanh nghiệp có website là rất thấp chỉ 2,16%.

Để hỗ trợ DNNVV, Bộ Khoa học- Công nghệ (KH-CN) và Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã ký chương trình phối hợp hoạt động "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm". Mục đích của chương trình là hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ dựa trên ứng dụng và chuyển giao công nghệ, làm chủ các công nghệ then chốt, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng thích hợp với DNNVV. Chương trình cũng nghiên cứu bổ sung, đề xuất giải pháp trợ giúp DNNVV ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững; khai thác hiệu quả Quỹ phát triển KH-CN trong DNNVV để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; phát triển dịch vụ KH-CN, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hỗ trợ DNNVV thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Để thực hiện những nội dung phối hợp, Hiệp hội DNNVV sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ. Các biện pháp, chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ DNNVV sẽ là cầu nối giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các chuyên gia công nghệ, nhóm nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước. Bộ KH - CN sẽ thí điểm hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất xây dựng mô hình mẫu về ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thông qua quá trình hợp tác, Bộ KH - CN thí điểm xây dựng bản đồ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo dựa trên cơ sở hiện trạng năng lực công nghệ và nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo; tổng kết kinh nghiệm quốc tế về xây dựng bản đồ công nghệ; số liệu điều tra, khảo sát về DNNVV trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và lĩnh vực khác có liên quan.

Liên quan đến vấn đề này, theo một số chuyên gia về công nghệ, ngoài chương trình hỗ trợ, Bộ KH-CN cũng cần hỗ trợ tư vấn về thiết bị, công nghệ mới hiện đại, thích hợp và cung cấp thông tin công nghệ, thị trường cho các DNVVN; tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện để các DN này tăng cường cạnh tranh trong sản xuất, chế biến sản phẩm. Chính phủ thành lập một số tổ chức hỗ trợ tư vấn (bằng những hình thức đa dạng) trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, giúp các DNVVN, có thêm tiềm lực mới trong công cuộc hội nhập quốc tế.
 

Hải Nam, Báo Công Thương điện tử