Chè Thái Nguyên đã được nhiều người biết đến như một đặc sản của vùng trung du miền núi phía Bắc. Với những kinh nghiệm làm chè truyền thống lâu năm, lại được thiên nhiên ưu đãi ban tặng, chè Thái Nguyên có một hương vị đặc biệt được. Ngay từ khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, các cấp các ngành trong tỉnh đã tích cực đồng hành, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trồng và chế biến chè, đổi mới công nghệ chế biến, quảng bá sản phẩm.


Cùng với việc hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), trong những năm qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Trung tâm) đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao giá trị sản phẩm chè Thái Nguyên nói riêng và các sản phẩm CNNT nói chung. Từ đó đã giúp bà con xóa đói giảm nghèo, thu nhập của bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt.


Trước đây, so với các vùng trồng chè khác trên cả nước, năng suất chè của Thái Nguyên không cao, chỉ đạt khoảng 7 tấn/ha. Và 70% sản lượng chè của tỉnh được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chủ yếu là chè rời, chất lượng thấp. Giá chè xuất khẩu của tỉnh cũng chỉ khoảng 14 USD/kg, thấp hơn giá bình quân thế giới.


Trước thực tế này, những năm gần đây Trung tâm đã dành nguồn kinh phí không nhỏ hỗ trợ nâng cao giá trị cho cây chè thông qua chuỗi các hoạt động như đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chè, hỗ trợ các cơ sở sản xuất chè tham dự các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Cách làm mới này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con về cây chè ngay từ khi chọn giống, chăm sóc và thu hoạch.


Kể từ năm 2008 đến nay, Khuyến công Thái Nguyên đã dành hơn 3 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là hơn 1,7 tỷ, còn lại là kinh phí địa phương để trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè. Với 28 đề án đã được triển khai, bao gồm: 8 đề án dạy nghề chế biến chè với tổng số gần 1.500 lao động được đào tạo, 5 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, 13 đề án hỗ trợ ứng dụng thiết bị, máy móc vào sản xuất…


Hiện Thái Nguyên đã xuất khẩu được khoảng 10 triệu USD mỗi năm, sản phẩm chè của tỉnh cũng đã chinh phục được các thị trường khó tính như: Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Nga.. Những kết quả này đã khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.


Đi đôi với việc bảo vệ và phát triển thương hiệu cho cây chè, Khuyến công tỉnh Thái Nguyên đã kết hợp các nguồn hỗ trợ từ trung ương với địa phương nhằm góp phần cùng bà con các dân tộc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp. Điển hình là gia đình bà Lê Thị Nhàn huyện Đồng Hỷ, trước đây là một cơ sở chế biến gỗ, nay được sự hỗ trợ, giúp đỡ của khuyến công, bà đã vận động bà con thành lập hợp tác xã, cùng đầu tư cải tiến dây chuyền, máy móc thiết bị. Sau ba tháng hợp tác xã của bà Nhàn đã hoàn chỉnh dây chuyền nấu rượu từ nguyên liệu có sẵn ở địa phương.


Trên cơ sở đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất, củng cố các cơ sở sản xuất hiện có, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất một số sản phẩm mới chưa có trên địa bàn, nhưng có lợi thế sử dụng nhiều lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ. Thái Nguyên cũng đã hình thành trung tâm chế biến có công nghệ cao tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nhằm tạo hiệu quả hơn nữa đối với phát triển nguồn nhân lực, công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý, đào tạo nghề, truyền nghề đã được tỉnh chú trọng... Tuy nhiên quá trình thực hiện các chương trình, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng còn không ít vướng mắc. Ông Mai Văn Phú, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Do quá nhiều những quy định về giấy tờ... đối với bà con dân tộc thì đây là một khó khăn. Khi triển khai hầu hết đều lúng túng nhất là khi gặp các vướng mắc giữa thực tế và đề án đã duyệt. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho hoạt động khuyến công của địa phương còn quá thấp, chưa có các quy định về mức chi cho các nhiệm vụ quản lý, giám sát, thẩm tra, quyết toán… Mong rằng trong thời gian tới những vướng mắc này sẽ được tháo gỡ không chỉ ở Thái Nguyên mà trên toàn quốc nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn./.

 


Hùng Lê (ARID)