Với tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công là 4.215,3 triệu đồng, giai đoạn 2005 – 2009, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề và nâng cao tay nghề cho 5.845 lao động, hỗ trợ 107 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.


Trong đó 70% số lao động sau đào tạo đều có việc làm, với mức lương bình quân từ 800.000 – 1.200.000 đồng/người/tháng.
Các nghề được đào tạo chủ yếu là: May, chiếu tre và các sản phẩm mỹ nghệ từ nguyên liệu luồng bương, cơ khí sản xuất nông cụ cầm tay, mây tre đan xuất khẩu, khôi phục nghề thêu truyền thống của đồng bào Dao, làm chổi chít, may xuất khẩu, gốm sứ nghệ thuật, mành tăm xuất khẩu, đua tre, khâu bóng, chế tác đá cảnh, dệt len, cơ khí nông cụ cầm tay, nghề mây giang đan xuất khẩu, nghề cơ khí gò hàn, tập huấn quản lý kỹ thuật an toàn trong sản xuất công nghiệp, tập huấn công tác khuyến công tại địa phương và nghiệp vụ quản lý kinh doanh bán lẻ, dệt thổ cẩm, mộc dân dụng, chạm khảm.


Nhìn chung, hoạt động khuyến công giai đoạn 2005-2009 đã góp phần đào tạo được lao động có tay nghề trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết khó khăn về lao động cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Hỗ trợ thiết thực một số cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho số lao động nông nhàn có thu nhập ổn định. Hoạt động khuyến công đã triển khai đến tất cả các huyện, thành phố của tỉnh, góp phần tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị được hỗ trợ khuyến công, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần đưa công nghiệp Hòa Bình đạt mức tăng trưởng bình quân 28%/năm.


Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ chưa tiên tiến, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống chưa phát triển, các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng được hưởng chính sách khuyến công còn chưa nắm bắt và tiếp cận với chính sách khuyến công kịp thời nên hiệu quả chưa cao. Nội dung, quy mô hoạt động khuyến công chưa được triển khai sâu rộng trên trên địa bàn. Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trước mắt cũng như lâu dài.


Với mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp nông thôn đạt 28%/năm, tỷ trọng công nghiệp nông thôn chiếm 65-70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, thời gian tới, hoạt động khuyến công của Hòa Bình sẽ ưu tiên các đề án: Hỗ trợ đổi mới dây chuyền công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; sử dụng nguyên liệu tại chỗ và sử dụng nhiều lao động; hỗ trợ lập quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp; hỗ trợ hình thành các làng nghề sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, phấn đấu trên địa bàn mỗi huyện, thành phố sẽ có ít nhất là một làng nghề mới được thành lập. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác khuyến công để nâng cao nhận thức của người dân và tạo được sự ủng hộ của các cấp, các ngành cho hoạt động khuyến công ngày càng mở rộng và đạt hiệu quả cao.
 

Xuân Khải (Báo Công Thương Điện tử)