Chưa bao giờ, tại huyện Cao Phong, huyện vùng cao tỉnh Hòa Bình lại có lễ hội thu hút đông đảo người tham dự như vậy, ai cũng háo hức phấn khỏi đón nhận Chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của địa phương mình. Họ cũng rất tự hào là địa phương đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” bước đầu được bảo hộ cho 4 giống cam: CS1, cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh- vốn là các giống cam có nguồn gốc di thực từ cam Xã Đoài (Nghệ An), cam Canh (Vân Canh). Những hộ trồng cam tại các vùng trọng điểm trong huyện như Thị trấn Cao Phong, các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Thu Phong từ nay sẽ đứng chung dưới tên gọi chung - cam Cao Phong. Ông Bùi Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Hòa Bình cho biết: Chứng nhận chỉ dẫn và thương hiệu Cam Cao Phong chắc chắn là cơ hội để người dân cả nước biết đến vùng cam của Hòa Bình là sản phẩm nổi tiếng từ nhiều năm, từ chỗ tiêu thụ khó, ít người biết, giờ đây chúng tôi hy vọng cam Cao Phong có thương hiệu, được quảng bá, và tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Theo những hộ trồng cam ở đây, vào đầu những năm 2000, giá cam Cao Phong bán ra thị trường chỉ dao động trên dưới mức 3.000 đồng/kg. Cùng với nỗi lo giá thấp, cam Cao Phong phải chịu sức ép rất lớn đến từ thị trường tiêu thụ. Cái tên “Cam Cao Phong” lúc bấy giờ còn khá mới mẻ với người tiêu dùng. Đó là nguyên nhân tại sao cam Cao Phong mặc dù chất lượng không hề thua kém các đặc sản của địa phương khác nhưng thường bị “lép vế” khi đưa ra các thị trường lớn. Những thiệt thòi này đều xuất phát từ một vấn đề cốt lõi: Cam Cao Phong chưa có thương hiệu.
Hiện nay, tổng diện tích cam toàn huyện Cao Phong đạt 1.200 ha, sản lượng năm 2014 ước đạt 16.500 tấn/ha. Với giá cả ổn định từ 30 đến 40.000đ/kg. Mỗi ha trồng cam, người dân thu từ 500 đến 600 triệu đồng. 5 năm trở lại đây, cây cam thực sự là cây làm giàu cho người dân huyện Cao Phong. Cùng với đó, theo qui hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện Cao Phong đến năm 2020, Lãnh đạo huyện xác định, cây có múi sẽ là cây trồng chủ lực tại địa phương, vì vậy, 2 năm qua, huyện Cao Phong đã áp dụng nhiều tiến bộ KH -KT để hỗ trợ hộ trồng cam phát triển vùng trồng cam như ưu tiên nguồn vốn ưu đãi, vận động các hộ sử dụng hệ thống tưới theo công nghệ Israel. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng cam chất lượng tốt hơn, đem lại năng suất và giá trị kinh tế ngày một cao hơn.
Ông Phạm văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, cho biết: Cây ăn quả có múi được huyện xác định là cây trồng chủ lực trong việc tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Do đó, chúng tôi đã yêu cầu các ban ngành chức năng trong huyện và tỉnh tập trung mọi giải pháp để nâng cao giá trị cây cam.
Theo thống kê của ban ngành chức năng, Hòa Bình là tỉnh miền núi vốn có khá nhiều sản phẩm là đặc sản truyền thống như: Mía tím Hòa Bình, dệt thổ cẩm Mai Châu, rượu cần Hòa Bình, hạt dổi huyện Lạc Sơn, quả Lặc lày hữu cơ tại huyện Lương Sơn, đã được tỉnh đang tiến hành các bước thủ tục để đăng ký nhãn hiệu tập thể. Tháng 11/2014 Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã công nhận và cấp giấy chứng nhận, đăng ký chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong
Ông Tạ Quang Minh. Cục Trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết: Mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của các tỉnh miền núi. Là cơ quan tham mưu cho Bộ, chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các địa phương xây dựng kế hoạch và thủ tục pháp lý đăng ký thương hiệu cho sản phẩm địa phương mình.
Còn theo Ông Nguyễn Trường Phong, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hòa Bình thì: Được công nhận Thương hiệu cam Cao Phong rất có giá trị với nông dân, sau cây cam, Tổ chức Hội sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ để có thể xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nổi tiếng trong tỉnh như Mía tím, sản phẩm thủ công mỹ nghệ để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ, tổ chức tập huấn, tham quan mô hình trồng cam tiêu biểu, từng bước xây dựng tiêu chuẩn canh tác thống nhất cho cam Cao Phong như tiêu chuẩn (VietGap) hoặc xa hơn, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap). Kỳ vọng đưa sản phẩm cam bước vào các siêu thị, đại siêu thị, hướng tới xuất khẩu.
Tham dự buổi Lễ đón nhận thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, Lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ nhấn mạnh: Trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dần trở thành công cụ thương mại quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập vào thị trường trong nước và quốc tế. Sau khi được đón nhận Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, huyện Cao Phong cũng như các hộ trồng cam, cần giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm cam Cao Phong cũng như bảo vệ thương hiệu, nâng tầm danh tiếng và mở rộng thị trường đối với sản phẩm của địa phương.
BẢO KHOA