Năm 2009, hoạt động khuyến công được HĐND, UBND và lãnh đạo Sở Công Thương Cần Thơ đặc biệt quan tâm. Từ năm 2005 đến 2009 tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ thực hiện đề án khuyến công là 1.332,474 triệu đồng. Trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ 2 đề án, kinh phí 85 triệu đồng; kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 28 đề án với 1.247,474 triệu đồng.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp và nâng cao năng lực, tăng cường khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) được 5 lớp, 130 người tham dự, kinh phí 62,875 triệu đồng.

Qua các lớp đã giúp tổ chức, cá nhân, các cơ sở CNNT nắm vững thủ tục và loại hình pháp lý thành lập doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về kinh doanh, ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, phân tích khách hàng tiềm năng, đối thủ cạnh tranh, ước lượng hàng hoá sản xuất, vốn, kế hoạch marketing và nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất (như nguyên tắc 6 đúng, 8 bước trong mua hàng, tâm lý người tiêu dùng, các mối quan hệ và xúc tiến thương mại) đã góp phần cho việc thành lập doanh nghiệp cũng như tăng cường khả năng kinh doanh của cơ sở CNNT.

Công tác hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao tay nghề và truyền nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) nhằm phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn được 20 lớp, 871 người dự, kinh phí 506,140 triệu đồng. Các hoạt động trên đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tạo đầu ra và mở rộng thị trường làm tăng lợi nhuận của cơ sở CNNT và thu nhập của người lao động, góp phần giải quyết nguồn lao động nông nhàn và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nông nghiệp.

Để có thông tin phục vụ công nghiệp nông thôn, tỉnh đã xuất bản 08 trang tin khuyến công Cần Thơ, số lượng 1.600 bản in, kinh phí 104,252 triệu đồng. Thông qua “Trang tin khuyến công Cần Thơ” phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển công nghiệp nông thôn đến các cơ quan, đơn vị, các cơ sở CNNT và trao đổi kinh nghiệm, phổ biến, thông tin về công nghiệp, tiến bộ kỹ thuật, thị trường, mô hình quản lý, thành tựu trong sản xuất… nhằm góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Tham gia xây dựng chương trình videoclip phát trên VTV1 về công thương thành phố Cần Thơ trên đường hội nhập nhằm giới thiệu bức tranh toàn cảnh về hoạt động sản xuất CN-TTCN, hoạt động thương mại và tiềm năng phát triển của thành phố Cần Thơ, một thành phố trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo điều kiện trong quá trình kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết nhằm thúc đẩy sự phát triển công thương thành phố Cần Thơ tương xứng với định hướng phát triển thành phố đô thị loại 1.

Trung tâm đã tham gia 6 kỳ hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Nam, khu vực Duyên hải Miền Trung, Đông Nam bộ, phối hợp với 20 DN, cơ sở, HTX xây dựng phòng trưng bày sản phẩm với diện tích 40m², trưng bày hơn 300 sản phẩm đặc trưng của ngành công nghiệp TP.Cần Thơ, kinh phí do DN đóng góp là 517,575 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho DN, cơ sở, HTX tiếp cận tìm kiếm thị trường, quảng bá và giới thiệu sản phẩm.

Qua các kỳ hội chợ triển lãm đã giúp ngành công nghiệp Cần Thơ giới thiệu những thành tựu phát triển CNNT và ngành nghề truyền thống, tạo cơ hội cho cơ sở CNNT gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, đối mới thiết bị công nghiệp, tìm kiếm đối tác khách hàng, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong thời gian tới và dự thi giải thưởng huy chương vàng, hàng Việt Nam chất lượng cao hợp tiêu chuẩn. Song song với việc quảng bá về hình ảnh ngành Công Thương, Trung tâm đã tổ chức 04 cuộc hội nghị tập huấn, có 120 người dự. Qua lớp tập huấn này đã giúp cho cán bộ quản lý nắm vững những quy định, chính sách của nhà nước về quản lý công nghiệp địa phương nói chung nhằm trang bị và cập nhật kịp thời những kiến thức cần thiết về công tác khuyến kích phát triển công nghiệp nông thôn góp phần cho công tác chỉ đạo công tác khuyến công địa phương đúng hướng đạt hiệu quả hơn. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức nghiên cứu học tập, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động Khuyến công của cán bộ các phòng Công Thương, cơ sở CNNT đúc kết được các kinh nghiệm hay trong họat động khuyến công góp phần đề ra những nội dung, phương thức hoạt động khuyến công tại địa phương thiết thực, hiệu quả.

Căn cứ vào nội dung của Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ và bám sát chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2012, hoạt động khuyến công Cần Thơ đã hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT tăng cường năng lực cạnh tranh; tổ chức hội nghị tập huấn, nghiên cứu học tập kinh nghiệm hoạt động về khuyến công, về bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề gắn dịch vụ-du lịch, phát triển nghề mới…

Nhìn chung, công tác tổ chức triển khai đề án khuyến công địa phương đảm bảo đúng mục đích, nội dung và đối tượng đã mang lại hiệu quả nhất định, đồng thời cũng bổ sung thêm kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn công tác phối hợp giữa các ngành với địa phương, doanh nghiệp, cơ sở CNNT tạo tiền đề cho công tác xây dựng và triển khai đề án khuyến công nhằm vào sự phát triển CNNT thành phố.

Tuy nhiên, xuất phát từ những đặc điểm của thành phố Cần Thơ là một đô thị trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thị trấn rất ít, địa bàn để được kinh phí khuyến công hỗ trợ theo Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ bị hạn chế. Năm 2009 được hỗ trợ 581 triệu đồng, tuy có tăng gần 03 lần so với trước nhưng so với yêu cầu hỗ trợ đề án khuyến công còn hạn chế (nhất là các nội dung về mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ cơ sở CNNT ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào quy trình sản xuất, cũng như hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch cụm CN-TTCN tại các huyện).

Mặt khác, cơ sở CNNT ít có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp, thường phải qua nhiều khâu trung gian tại các địa phương khác (thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai) nên việc nắm bắt về nhu cầu khách hàng, mẫu mã, chất lượng, giá cả hàng hóa… đã ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, lợi nhuận của cơ sở CNNT và sự phát triển nghề TTCN tại địa phương.

Bộ máy khuyến công của thành phố được thành lập đảm bảo yêu cầu quy định, tuy nhiên đội ngũ công chức, viên chức hoạt động chưa đều tay, còn những hạn chế nhất định; cán bộ làm công tác khuyến công huyện phải kiêm nhiệm nhiều công tác, mạng lưới khuyến công viên ở cơ sở không được phân công, không có chế độ chính sách.

Năm 2010, công tác khuyến công tập trung huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn là 2.900 tỷ đồng, tỷ trọng tăng hằng năm khoảng 13% đến 14%, thu hút 25.000 lao động công nghiệp nông thôn, nhằm tạo bước đột phá về xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập lao động nông thôn và từng bước ổn định xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
 

Xuân Hoà- Phó GĐ Trung tâm KC & TVPTCN Cần Thơ