Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I/2016 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng thuận lợi. Một số các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến gỗ, cơ điện còn tập trung đổi mới máy móc, dây chuyền sản xuất, mở rộng nhà xưởng để đáp ứng lượng đơn hàng gia tăng trong năm 2016.
Tình hình công nhân trở lại làm việc sau Tết ổn định (các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt May, Hiệp hội Gỗ giảm 5-10%, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Cơ Điện, Giày Da ổn định, v.v...). Đáng lưu ý, ngay sau Tết Nguyên đán, có hơn 110 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng với số lượng hơn 20.000 lao động nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng với các đối tác trong năm mới. Trong đó hầu hết doanh nghiệp tuyển lao động trong lĩnh vực giày da, may mặc, điện tử... Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn chủ yếu là lao động phổ thông (chiếm tới gần 90%).
Với tác động của việc Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết các hiệp định thương mại đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp. Qua khảo sát, nắm tình hình các doanh nghiệp của Sở, các doanh nghiệp đều cho biết từ những tháng cuối quý IV/2015 đến nay, rất nhiều khách hàng tìm đến các nhà máy để tìm hiểu, đặt hàng; ngoài ra việc đi tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp tại các nước trên thế giới cũng thuận lợi hơn, được quan tâm, chào đón nhiều hơn. Lượng đơn hàng ký kết của các doanh nghiệp trong quý I/2016 tăng từ 10-15% so với cùng kỳ (các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt May tăng 10-15%, chế biến gỗ tăng 10%, da giày tăng 10-15%, cơ điện tăng 15%). Đa số các doanh nghiệp đều đã ký kết được các hợp đồng đến quý II/2016, một số doanh nghiệp còn ký được hợp đồng đến quý III/2016.
Giá nguyên, nhiên vật liệu tương đối ổn định và không có hiện tương khan hiếm hàng. Giá xăng dầu, giá gas liên tiếp được điều chỉnh giảm trong quý I/2016. Giá nguyên vật liệu, nguyên phụ liệu ngành dệt may không tăng; ngành gỗ giảm từ 3-10%; ngành cơ - điện tử giảm 5-10%, v.v...
Do đó, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2016 ước tăng 7,09% so với cùng kỳ, cùng kỳ năm 2015 chỉ tăng 6,8%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 11,4% so cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 7,0%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,0%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 10%.
22/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh 03 tháng đầu năm 2016 đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó có 9/22 sản phẩm đạt mức tăng trưởng trên 10%. 03 sản phẩm có mức tăng trưởng giảm là: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; mạch in khác; Bộ sa lông.
Những thuận lợi trong hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý I/2016 sẽ là tiền đề quan trọng giúp thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như của ngành Công Thương trong năm 2016.
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương