Sáng 3/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013.


Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Nguyễn Sáng Vang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh; Bùi Thanh Thu, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Bình Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Vương Đình Huệ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Hữu Hoan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chẩu Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại Trung ương, doanh nghiệp trong nước, các tỉnh vùng Tây Bắc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, tổ chức Jaica (Nhật Bản) và một số tổ chức nước ngoài.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay là cơ hội tốt để giới thiệu, trao đổi, nắm bắt các tiềm năng, lợi thế của vùng, tiếp cận các dự án trọng điểm đang ưu tiên thu hút đầu tư, những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự hội nghị cần tập trung thảo luận vào các lĩnh vực quan trọng như: Đầu tư khai thác thế mạnh sản xuất nông lâm nghiệp ở các tiểu vùng, đầu tư phát triển công nghệ cao, chăn nuôi đàn gia súc, nuôi trồng thủy sản. Phát triển dịch vụ du lịch, khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trên địa bàn Tây Bắc; Phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu. Khai thác chế biên khoáng sản, vật liệu xây dựng, phát triển thủy lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và các cơ sở sản xuất kinh doanh dọc các tuyến giao thông trọng điểm. Đồng chí cũng nhấn mạnh, các đại biểu cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách phát triển.

Phát biểu chào mừng tại hội nghị Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sáng Vang khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang rất vui mừng, phấn khởi được Ban Chỉ đạo Tây Bắc chọn làm nơi đăng cai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013. Hội nghị này là dịp để các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế cùng chia sẻ, chung tay làm giảm bớt những khó khăn của nhân dân Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Tuyên Quang lại có rất nhiều tiềm năng phát triển... để phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Tuyên Quang đã tập trung hoàn thành các quy hoạch, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng thúc đẩy kinh tế phát triển. Đồng chí cũng nhấn mạnh, tỉnh Tuyên Quang luôn mong muốn mời gọi các nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng tại tỉnh; đồng thời khẳng định và cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện các chương trình, dự án đạt hiệu quả cao nhất. Tỉnh cam kết sẽ quản lý, sử dụng nguồn vốn các chương trình, dự án an sinh xã hội đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả để đáp lại tình cảm, sự tri ân của các nhà tài trợ, các nhà đầu tư, các tổ chức trong nước và quốc tế đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội vùng Tây Bắc đã nêu, trong những năm qua, phát huy cao độ nội lực trong vùng, gia tăng đầu tư và hỗ trợ của Trung ương, thu hút mạnh nguồn lực từ các vùng khác và các nguồn tài trợ quốc tế, kinh tế các tỉnh trong vùng Tây Bắc phát triển khá nhanh, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Trong những năm qua các tỉnh đều có tăng trường GDP từ năm 2005-2008 đạt 11,7%, năm 2009, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng GDP toàn vùng vẫn đạt 9,38%, năm 2010 đạt 12,55%, năm 2011 đạt 10,33%. Trong năm 2012, GDP toàn vùng đạt 9,64%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm (tăng 2,45 triệu đồng so với năm 2011). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2012 đạt 92.012 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt 32.690 tỷ đồng (chiếm 34%), vốn tín dụng đầu tư đạt 5.840 tỷ đồng, vốn của các doanh nghiệp nhà nước đạt 10.466 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.415 tỷ đồng, vốn khu vực dân cư và thành phần kinh tế khác đạt 40.601 tỷ đồng. Định hướng thu hút đầu tư phát triển vùng Tây Bắc trong thời gian tới cần tập trung thu hút các dự án đầu tư trọng điểm của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án cần chú trọng đến mục tiêu liên kết vùng, gắn kết từ cơ sở chế biến đến vùng nguyên liệu cũng như nguồn lao động địa phương. Báo cáo cũng chỉ ra một số giải pháp phát triển kinh tế xã hội của vùng như: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; sửa đổi bổ sung quy chế, chính sách đã ban hành, đồng thời xây dựng một số cơ chế, chính sách mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa xã hội, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tăng cường bảo vệ môi trường, khai thác các nguồn tài nguyên theo hướng bền vững; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh.

Hội nghị đã được nghe phát biểu của Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam về tín dụng đầu tư và công tác an sinh xã hội vùng Tây Bắc; phát biểu của Giám đốc ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký cam kết hợp tác và trao 26 giấy chứng nhận đầu tư với tổng trị giá trên 10.600 tỷ đồng, trong đó tỉnh ta có 6 dự án đầu tư với tổng trị giá 745 tỷ đồng. Ngành ngân hàng cũng thực hiện ký kết 14 hợp đồng đầu tư vốn tín dụng cho các dự án với số tiền cam kết tài trợ lên tới 19.378 tỷ đồng và 35 triệu USD. Các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cũng đã tài trợ 543,6 tỷ đồng phục vụ công tác an sinh xã hội trên địa bàn Tây Bắc.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sau hội nghị này các bộ, ngành và các tỉnh vùng Tây Bắc tiếp thu ý kiến của đại biểu tập trung thực hiện tốt một số công việc trọng tâm sau: Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, làm cơ sở hoàn thiện quy hoạch ngành, quy hoạch các tỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn hỗ trợ các tỉnh xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển vùng chuyên canh tập trrung gắn với lợi thế các tiểu vùng và với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương chuẩn bị hoạt động đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm; đề xuất các dự án do Bộ quản lý. Đầu tư theo hình thức PPP. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẩn trương tổng hợp các nhu cầu an sinh xã hội vùng Tây Bắc, đặc biệt là xóa nhà dột nát, kiên cố hóa trường lớp học, nhà học sinh bán trú, nâng cấp trạm y tế xã, trung tâm ý tế huyện... Tổng kết thực hiện các chương trình an sinh xã hội thời gian qua để giai đoạn toái làm tốt hơn. Vận động các nhà tài trợ tham gia công tác an sinh xã hội trên địa bàn Tây Bắc. Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính theo chức năng nhiệm vụ tích cực giải quyết những vướng mắc liên quan đến đất đai, quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác nguồn vốn đầu tư, tài trợ xúc tiến đầu tư đối với vùng Tây Bắc. Đại học Quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khoa học công nghệ ở trung ương và địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. UBND các tỉnh vùng Tây Bắc cần hoàn thiện công tác quy hoạch tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi, thông thoáng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; đảm bảo công khai, minh bạch. Vận dụng sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với địa bàn trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, các khu, cụm công nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với các dự án có yêu cầu triền khai trên địa bàn nhiều tỉnh cần chủ động phối hợp để giải quyết kịp thời các vướng mắc, báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành. Đồng chí nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa vùng Tây Bắc sớm ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.

 

Nguồn: Cổng TTĐT Tuyên Quang