Sản phẩm chè của Yên Bái ngày nay đã dần được nhiều khách hàng biết đến, bước đầu thị trường chấp nhận, như chè Shan Tuyết Suối Giàng, chè Bát Tiên… Với định hướng lấy ngành chè là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách, giải pháp hướng tới sự phát triển bền vững ngành chè của tỉnh.Yên Bái là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất nước.

 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 12.000 ha chè, trong đó có hơn 2.296 ha chè Shan, trên 2.668 ha chè lai LDP, 1.551 ha chè nhập nội, 4.688 ha chè trung du....Vùng chè tập trung có diện tích lớn nhất là các huyện Văn Chấn 4.393 ha, Trấn Yên 2.074 ha và Yên Bình 1800 ha. Năng suất chè búp tươi năm 2012 đạt bình quân 8,4 tấn/ha. Sản lượng chè búp tươi đạt từ 91.000 tấn/năm. Tổng sản lượng chè khô đạt 20.000 tấn chè khô gồm chè đen, chè xanh các loại. Tổng giá trị sản phẩm chè qua chế biến đạt trên 400 tỷ đồng.

 

Tính đến hết năm 2012 trên địa bàn có 104 cơ sở chế biến gồm, trong đó: trung ương 4 cơ sở; địa phương 4 cơ sở; công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân 62 cơ sở; liên doanh nước ngoài 02 cơ sở; hợp tác xã, cơ sở chế biến 32 cơ sở. Ngoài ra, có khoảng 400 cơ sở chế biến nhỏ quy mô hộ gia đình. Tổng công suất chế biến toàn tỉnh ước đạt 1.213 tấn chè búp tươi/ngày. Để khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh ngành chè, tỉnh Yên Bái đã có chủ trương và Đề án “Phát triển chè tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013-2015”.

 

Theo đó, Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến chè với công nghệ tiên tiến như dây chuyền sản xuất chè đen theo công nghệ CTC, dây chuyền sản xuất chè xanh chất lượng cao, dây chuyền tinh chế và đấu trộn chè thành phẩm, chế biến chè nhúng, chè hòa tan, chè thảo mộc... Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Yên Bái ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Yên Bái có những chính sách ưu đãi như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, lãi suất sau đầu tư và các hoạt động xúc tiến đầu tư… tạo điều kiện tốt nhất cho công nghiệp sản xuất chế biến chè phát triển.

 

Bên cạnh việc tập trung phát triển các cơ sở chế biến chè, đã hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền máy móc, đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đồng thời khuyến khích các cơ sở chế biến đăng ký xây dựng thương hiệu chè nhằm giúp cho sản phẩm được đảm bảo ổn định về chất lượng, chính xác về nguồn gốc và pháp luật bảo vệ. Vừa qua, nhãn hiệu chè Suối Giàng của Yên Bái đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận, đã khẳng định chè Suối Giàng là một thương hiệu có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh chè Suối Giàng và nâng cao hiệu quả kinh tế của sản phẩm ngành chè Yên Bái.

 

Các hoạt động khuyến công của Yên Bái đã tập trung hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị chế biến, góp phần thúc đẩy chất lượng sản phẩm chè ngày một nâng cao.Để sản xuất, kinh doanh chè hiệu quả, người làm chè sống được bằng chè, hướng đến phát triển bền vững ngành chè, tỉnh Yên Bái khuyến khích người dân, doanh nghiệp cần phát triển sản xuất chè sạch, chè an toàn, thay đổi cách chế biến chè bằng kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt từ khâu nguyên liệu, việc trồng mới, trồng cải tạo thay thế chè già cỗi bằng giống chè mới năng suất, chất lượng cao thì xây dựng theo các vùng chè sạch, chè an toàn đạt các quy chuẩn VietGap, GlobalGap, ISO...

 

Đồng thời, các địa phương, ban ngành cũng sẽ thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân, doanh nghiệp về sản xuất, chế biến chè an toàn, chè sạch. Tỉnh cũng có những chính sách, rà soát và sàng lọc chọn doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính, công nghệ chế biến tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh công nghiệp để đầu tư phát triển. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư riêng trong sản xuất chế biến chè, nhất là trong chế biến chè sạch, chè an toàn, chè tinh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống, thu nhập ổn định cho người dân làm chè.

 

Hoàng Lân