Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo cánh đồng lớn là cách thức tổ chức sản xuất dựa trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, có qui mô ruộng đất lớn với mục đích tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa tập trung, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và các đối tượng tham gia.
Năm 2014, tỉnh Long An đã xây dựng được 40 lượt cánh đồng lớn đối với cây lúa trên diện tích 13.287 ha (chiếm 2,6% so với diện tích gieo trồng) với 5.572 hộ tham gia; 01 mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm đối với cây bắp trên diện tích 138,75 ha (chiếm 2,3% so với diện tích gieo trồng) với 236 hộ tham gia; 01 mô hình liên kết đối với cây chanh trên diện tích 200 ha (chiếm 3,4% so với diện tích gieo trồng) với 85 hộ tham gia.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn mang lại kết quả vượt trội so với diện tích bên ngoài mô hình cả về năng suất, chất lượng nông sản và giá trị gia tăng. Đây được xem là các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ hiệu quả nhất hiện nay cần được nhân rộng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khó khăn thách thức hiện nay là: Doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn chưa nhiều, chưa mạnh mẽ. Doanh nghiệp, hộ nông dân chưa thực sự gắn bó và thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng đã ký. Tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn rất thấp. Nông dân sản xuất nhỏ, manh mún chưa quen, chưa thấy lợi ích liên kết hợp tác. Một số nơi chưa có hợp tác xã hoặc có nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đủ sức tổ chức và hỗ trợ cho nông dân. Mặt khác, các chủ trương, chính sách về khuyến khích, phát triển cánh đồng lớn chưa được cụ thể hóa trên địa bàn tỉnh; một số địa phương chưa thấy hết ý nghĩa, lợi ích của cánh đồng lớn nên chưa tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh Long An |
Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chínhn phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và để đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, trước nhất là lĩnh vực trồng trọt, theo mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh, cần thiết có kế hoạch thực hiện chung nhằm có sự chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ và rộng rãi từ tỉnh đến các cấp huyện, xã, doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân và nông dân tham gia.
Đánh giá chung về kết quả thực hiện xây dựng cánh đồng lớn trong năm 2014 đối với 3 loại cây trồng là lúa, bắp và chanh có những mặt thuận lợi sau:
Được sự quan tâm chỉ đạo, sự phối kết hợp tốt giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nông dân tích cực tham gia tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn của tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt "Quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An đến năm 2020"; Quy hoạch vùng rau an toàn của tỉnh đến năm 2020; Đề án "Sản xuất, xuất khẩu thanh long huyện Châu Thành giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020"; Đề án "Sản xuất và tiêu thụ chanh thương phẩm tỉnh Long An"…. là cơ sở định hướng cho việc xây dựng các cánh đồng lớn. Các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn. Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên được củng cố, tăng cường và phối hợp ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng hơn.
Bên cạnh đó, cũng còn gặp một số khó khăn, thách thức như:
Diện tích thực hiện cánh đồng lớn chủ yếu trên cây lúa và tỷ lệ còn rất thấp so với diện tích gieo trồng của tỉnh (chiếm 4,3% diện tích toàn tỉnh và chiếm 20,7% diện tích quy hoạch vùng lúa chất lượng cao). Một số doanh nghiệp tích cực tham gia nhưng nguồn nhân lực và tài chính có hạn trong khi đó phải đầu tư vật tư, thu mua sản phẩm với số lượng lớn trong cùng một thời điểm, thị trường không ổn định, giá cả chưa thống nhất… nên gặp rất nhiều khó khăn. Liên kết hợp tác trong sản xuất – tiêu thụ vẫn còn nhiều bất cập; liên kết ngang giữa nông dân – nông dân vẫn còn hạn chế; các tổ chức đại diện nông dân như tổ hợp tác, hợp tác xã chưa có hoặc có nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao đã ảnh hưởng đến việc nhân rộng các cánh đồng lớn. Nhân lực của chính quyền các cấp tham gia chương trình còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, nhân lực của các doanh nghiệp tham gia còn hạn chế. Hệ thống thủy lợi nội đồng, đê bao lửng, giao thông của một số cánh đồng chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện. Chính quyền địa phương một số nơi chưa chủ động trong việc triển khai. Một bộ phận nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ quy trình sản xuất do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chưa tham gia sinh hoạt, hội họp đầy đủ, chưa ghi chép theo yêu cầu Sổ tay tình hình sản xuất theo hướng VietGAP.
Mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn đến năm 2020 và 2030 được xác định bao gồm:
Mục tiêu chung: Xây dựng và phát triển các cánh đồng lớn thuộc lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Phấn đấu đến năm 2020: Tổng diện tích xây dựng cánh đồng lớn trên các loại cây trồng chủ yếu của tỉnh là 110.180 ha đạt 19,34% so với tổng diện tích gieo trồng. Trong đó, đối với cây lúa là 100.000 ha đạt 20% diện tích quy hoạch gieo trồng; cây bắp 1.500 ha đạt 20%; cây mè 4.500 ha đạt 30%; cây đậu phộng 640 ha đạt 10%; rau các loại 380 ha đạt 5%; cây thanh long 900 ha đạt 10%; cây chanh 1.100 ha đạt 10% và các cây trồng khác 1.160 ha đạt 10%.
Phấn đấu đến năm 2030: Tổng diện tích xây dựng cánh đồng lớn trên các loại cây trồng chủ yếu của tỉnh là 228.800 ha đạt 40,96% so với tổng diện tích gieo trồng. Trong đó, đối với cây lúa là 200.000 ha đạt 41,4% diện tích quy hoạch gieo trồng; cây bắp 4.000 ha đạt 46,3%; cây mè 8.300 ha đạt 50%; cây đậu phộng 1.300 ha đạt 20%; rau các loại 1.500 ha đạt 16,4%; cây thanh long 3.000 ha đạt 30,8%; cây chanh 4.000 ha đạt 29,3% và các cây trồng khác 2.200 ha đạt 20%.
Nội dung của Kế hoạch xác định các giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện bao gồm: (1) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; (2) Xây dựng, phát triển các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp; (3) Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; (4) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch; (5) Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; (6) Thiết lập cơ chế quản lý, điều hành thực hiện; (7) Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, thực hiện các dự án, phương án cánh đồng lớn; (8) Chính sách hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn.
Về tổ chức thực hiện Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn lĩnh vực trồng trọt tỉnh Long An giai đoạn 2015 - 2030, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức đại diện nông dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Sở Công Thương chịu trách nhiệm: Phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn; tăng cường công tác xúc tiến thương mại quảng bá nông sản nói chung và ưu tiên các cánh đồng lớn; chủ trì, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân xây dựng lộ trình nhu cầu nguyên liệu.
Sở Công Thương Tỉnh Long An