Trong 10 tháng đầu năm 2014, thị trường ô tô Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng hơn 30% so với năm 2013. Dự báo, doanh số cả năm 2014 có thể đạt 150 ngàn chiếc, tăng 36 % so với năm ngoái, mặc dù chưa chạm được mức 160 ngàn xe vào năm 2009 nhưng đây là một dấu hiệu tích cực báo hiệu sự phục hồi của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tuy nhiên do việc thiếu đồng bộ trong thực hiện các chính sách, nên trên thực tế thị trường ô tô Việt Nam hiện chỉ tăng trưởng về doanh số chứ chưa có dấu hiệu hồi phục thực sự. Trong khi đó, thời điểm năm 2018, khi hàng rào thuế quan Asean AFTA bị bãi bỏ, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam sẽ đứng trước nhiều thách thức để tồn tại. Quy hoạch cụ thể phát triển ngành và nâng cao trách nhiệm quản lý từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, chính là điều kiện để ngành công nghiệp ô tô thực sự phát triển và tồn tại.


Tính đến hết tháng 10/2014, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 30% trong khi xe nhập khẩu tăng 69% so với cùng kì năm 2013. Như vậy tính từ đầu năm 2014, tổng lượng xe tiêu thụ trên toàn thị trường đạt 121.648 chiếc, trong đó riêng doanh số của các thành viên thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam đạt hơn 103.000 chiếc, chiếm 85% doanh số toàn thị trường. Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà sản xuất, sức tiêu thụ của thị trường chưa đáp ứng được với kỳ vọng của các nhà sản xuất.


Ông Gaurav Gupta- TGĐ điều hành General Motors Việt Nam cho biết: Việt Nam có 90 triệu dân, trong đó tỷ lệ sở hữu xe hơi chỉ chiếm 1.85%. Tổng thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đang tăng khá ổn định. Đây là những yếu tố tạo đà phát triển rất tốt cho ngành công nghiệp ô tô. Song, chúng ta có thể thấy rằng ngành ô tô chưa tăng trưởng đúng theo cách mà lẽ ra ngành này nên đạt được. Vì thế khi nhìn vào GDP và nhìn vào giá xe hơi, không khó để nhận ra những khoảng lặng hoặc đoạn đứt gãy giữa hai yếu tố này. Điều đó cho thấy thực tế rằng ngành công nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam chưa phát triển tốt.


Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, năm 2014 với chính sách thuế suất nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực Đông - Nam Á xuống còn 50% và mức lệ phí trước bạ mới các loại ô-tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu cũng đã đồng loạt giảm xuống 10% trên cả nước, đã tác động tích cực đến sức mua trên thị trường. Đây cũng chính là thách thức lớn về phát triển sản xuất của các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi mà thời hạn giảm thuế bằng 0% vào năm 2018 đối với các dòng xe nhập khẩu của Việt Nam đang đến gần.


Theo Ông Jesus Metelo N.Aris Jrc- Chủ tịch hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam thì: Hiện nay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang có quy mô sản xuất còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực, bên cạnh đó hiện tại mức thuế tiêu thụ đặc biệt của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang khá cao, trung bình là 45% và như vậy là cao hơn các quốc gia khác trong khu vực khoảng 20%. Đây có thể nói chính là những hạn chế khiến cho ngành công nghiệp ô tô của VN chưa đạt mục tiêu đã đề ra”


Toàn ngành công nghiệp, sản xuất ôtô Việt Nam có 46 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động với sản lượng gần 500.000 sản phẩm được sản xuất hàng năm. Mỗi năm, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam đóng góp nguồn thuế cho ngân sách hơn 1 tỷ đô la Mỹ và tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động trong toàn ngành. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, bên cạnh yếu tố thị trường thì Việt Nam cần có chính sách phát triển ngành này ổn định, nhất quán để các nhà đầu tư có thể hoạch định được kế hoạch kinh doanh cũng như đẩy mạnh chiến lược đầu tư lâu dài.


“Năm 2018 khi mà hàng rào thuế quan Asean AFTA bị bãi bỏ và thuế nhập khẩu về 0% thì có nghĩa là sẽ có rất nhiều hãng xe nhập khẩu ô tô vào Việt Nam nhiều hơn, như vậy khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn với những sản phẩm với giá cạnh tranh. Tuy nhiên đối với các nhà sản xuất ô tô trong nước như chúng tôi, đây sẽ là thời điểm rất khó khăn bởi duy trì sản xuất và cạnh tranh với các xe nhập khẩu, do vậy hiện tại chúng tôi chưa thể nói gì về kế hoạch sản xuất mới. Chúng tôi mong rằng phía Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách phù hợp để các nhà sản xuất trong nước duy trì và phát triển sản xuất ổn định sau năm 2018 ”. Ông Daisuke Bando, Giám đốc Ban hoạch định chiến lược- Công ty Toyota Việt Nam cho hay.


Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, các tiêu chí đề ra trong quy hoạch ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từ trước tới nay, chỉ đạt duy nhất một mục tiêu xuất khẩu linh kiện, phụ tùng, còn lại tất cả các mục tiêu khác từ sản lượng xe đến tỷ lệ nội địa hóa... đều không đạt. Đây là một thực tế, hiện nay nhiều nhà đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không còn chú trọng vào phát triển sản xuất, mà chuyển sang giới thiệu và cung cấp các dòng xe nhập khẩu cho thị trường với nhiều lợi thế cạnh tranh về giá cả và mẫu mã sản phẩm.


Ông Trần Tuấn Anh- Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Sự yếu kém của ngành công nghiệp ô tô của VN còn thể hiện ở chỗ là chưa đồng bộ trên toàn diện, ở đây chúng ta thấy rõ ràng nhất là để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm ô tô trên quy mô toàn cầu, thì bắt buộc chúng ta phải có sự phát triển của các nhà sản xuất, đặc biệt là sản xuất các chi tiết, linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô. Tức là nó phụ thuộc rất nhiều vào ngành công nghiệp hỗ trợ, mà các ngành công nghiệp hỗ trợ của chúng ta thì chưa có điều kiện để phát triển ở thị trường nội địa trong thời gian vừa qua, nó có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là các chính sách, các cơ chế chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.


Tham gia triển lãm công nghiệp ôtô Việt Nam lần thứ 10 năm 2014 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh các dòng sản phẩm của 9 nhà sản xuất trong nước, thuộc hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam được trưng bày, là sự xuất hiện của 9 thương hiệu ô tô nhập khẩu lớn trên thế giới. Đây là một thực tế, hiện nay nhiều nhà đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không còn chú trọng vào phát triển sản xuất, mà chuyển sang giới thiệu và cung cấp các dòng xe nhập khẩu cho thị trường với nhiều lợi thế cạnh tranh về giá cả và mẫu mã sản phẩm.


Lê Hùng (ARID)