Cụm công nghiệp làng nghề Diên Sanh được quy hoạch với diện tích 70 ha ở thị trấn Hải Lăng (Hải Lăng-Thừa Thiên Huế).

 

Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, cụm công nghiệp làng nghề này đã thu hút được 8 doanh nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, 1 doanh nghiệp đang xây dựng, 1 doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để xây dựng với tổng kinh phí đầu tư gần 90.000 triệu đồng, cơ bản lấp đầy cụm công nghiệp này.

Nhờ đầu tư sản xuất đúng hướng, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương nên mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng các doanh nghiệp đều làm ăn có lãi. Chỉ tính riêng trong năm 2010, giá trị sản xuất đạt 21.211 triệu đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 660 lao động. Trong đó, có nhiều nhà máy giải quyết việc làm cho người lao động với số lượng lớn như Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú 285 lao động, Công ty TNHH 1 thành viên An Phú Minh 80 lao động, DNTN Hasinato 38 lao động...

Để đạt được kết quả đó, phải kể đến những thuận lợi mà cụm công nghiệp làng nghề này có được như có Quốc lộ 1A, đường sắt đi qua, cơ sở hạ tầng trong cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ từ đường giao thông, điện chiếu sáng, cây xanh, hệ thống xử lý nước thải, và quan trong hơn, huyện Hải Lăng đã thực hiện nghiêm túc chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh cũng như đôn đốc theo dõi giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình làm ăn tại đây.

Cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị vào quy hoạch tổng thể khu kinh tế cả nước càng mở ra cơ hội mới cho cụm công nghiệp làng nghề này nói riêng và huyện Hải Lăng, Triệu Phong... nói chung, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với khu vực này. Cũng trong thời gian này, một con đường lớn nối từ Quốc lộ 1A về cảng Mỹ Thủy được khởi công xây dựng với chiều dài gần 14 km, nền đường rộng 12 m, tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Sau khi cảng Mỹ Thủy được đầu tư xây dựng, Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh được hoàn thành thì cụm công nghiệp làng nghề Diên Sanh sẽ càng trở nên thuận lợi hơn. Theo dự án, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị bao gồm một số xã, thị trấn ven biển thuộc các huyện Hải Lăng và Triệu Phong có tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng, được xây dựng theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ nay đến năm 2020 trên diện tích 15.000 ha, giai đoạn 2 từ sau năm 2020 với diện tích lên đến 23.460 ha.

Cảng biển Mỹ Thủy sẽ được quy hoạch trên địa bàn 2 xã Hải Khê, Hải An huyện Hải Lăng với tổng kinh phí đầu tư lên đến 20.000 tỷ đồng. Theo tính toán của các chuyên gia, sau khi cảng Mỹ Thủy đi vào hoạt động thì cung đường vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan ra Thái Bình Dương qua cảng này chỉ còn khoảng 320 km thay vì gần 500 km qua cảng biển Đà Nẵng nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm đến Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, trong đó có cụm công nghiệp làng nghề Diên Sanh.

Để từng bước đáp ứng nguồn lao động công nghiệp, trong 5 năm, từ 2005- 2010 huyện đã tổ chức cho hơn 2.600 lượt người tham gia học nghề, tạo việc làm, từng bước đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Qua đó, để người dân Hải Lăng tăng thêm ý thức về bảo vệ, gìn giữ các nghề truyền thống của quê hương như nấu rượu, làm bánh, mộc mỹ nghệ, thêu ren...

Trước những tiềm năng và cơ hội đang mở ra, Đại hội Đảng bộ huyện Hải Lăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010- 2015 xác định tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh CN- TTCN, TM- DV. Qua đó, cụm công nghiệp làng nghề Diên Sanh đang được xem như một hình mẫu để tiếp tục đầu tư, nhân rộng trên địa bàn huyện.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển mạnh mẽ, có bước đột phá về CN- TTCN. Khai thác có hiệu quả các cụm CN- TM- DVDL hiện có. Quản lý chặt chẽ quy hoạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án, giải phóng mặt bằng kịp thời và có kế hoạch đón đầu quá trình hình thành phát triển cảng Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Cụm công nghiệp làng nghề Diên Sanh nói riêng và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm, trong số đó có nhiều khu, cụm công nghiệp đã được lấp đầy nên nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh đang ngày càng trở nên khan hiếm. Do đó, ngay từ bây giờ, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch đào tạo, thu hút nguồn lao động này để bổ sung đủ cho các doanh nghiệp đang thiếu lao động. Đây cũng là mong muốn của những doanh nhân đang có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

 

Nguyễn Vinh