Với quy mô 27.108ha, bao gồm 5 khu chức năng chính: khu phi thuế quan, khu đô thị, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, khu du lịch và khu cảng. Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô sẽ là động lực để Thừa Thiên Huế phát triển hướng ra biển.


Sau 4 năm đi vào hoạt động, cơ sở hạ tầng thiết yếu của KKT Chân Mây - Lăng Cô đã và đang được hoàn thành và gấp rút xây dựng. Đến nay, tổng mức đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng được phê duyệt trên địa bàn là 2.085 tỷ đồng. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản được ngân sách bố trí lũy kế đến năm 2009 là 963,7 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương 840 tỷ đồng, vốn địa phương 123,7 tỷ đồng). Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương thời gian qua chủ yếu tập trung cho các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu như: Xây dựng Bến số 1 - Cảng Chân Mây, Nhà máy nước Chân Mây, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, các khu tái định cư, đường trục chính dẫn đến cảng Chân Mây, đến các khu du lịch, khu công nghiệp.


Với tiềm năng thế mạnh của mình, thời gian qua, đặc biệt là trong 2 năm 2007-2008, KKT Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút được một số lượng lớn các nhà đầu tư. Đến nay, trên địa bàn KKT đã có 33 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 31.242,9 tỷ đồng, tương đương 1.954,9 triệu USD. Trong đó có 10 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 1.406,8 triệu USD (chiếm 70% vốn FDI đăng ký của toàn tỉnh), 23 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 8.770,3 tỷ đồng, tương đương 548,1 triệu USD. Bên cạnh sự tăng lên về số lượng và quy mô các dự án đầu tư thì chất lượng các nhà đầu tư cũng có sự thay đổi lớn, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu đã đến đầu tư tại KKT như Tập đoàn Banyan Tree của Singapore, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group)... Kết quả này đã góp phần quan trọng thay đổi vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế về thu hút đầu tư so với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung


Để đảm bảo xây dựng và phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô theo đúng định hướng đã đề ra, giai đoạn từ năm 2010-2015, Ban quản lý KKT tập trung vào một số các giải pháp chủ yếu như: Ưu tiên tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; Hoàn thành các dự án quy hoạch chi tiết xây dựng cảng Chân Mây và Khu đô thị mới Chân Mây; Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu các khu tái định cư…Hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trục giao thông quan trọng trên địa bàn như: đường trục Trung tâm đô thị mới Chân Mây, đường nối Quốc lộ 1A vào cảng Chân Mây, hệ thống đường kết nối các khu chức năng....


Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn để khởi công đập Thủy Yên - Thủy Cam, xây dựng nhà máy nước Lộc Thuỷ, xây dựng các trạm xử lý nước thải, xây dựng trường dạy nghề Chân Mây... Ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư; Ưu tiên các nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các dự án chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sinh kế, đào tạo nghề... cho người dân vùng dự án. Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch với việc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu chức năng quan trọng của KKT. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và thu hút đầu tư bằng việc nâng cao hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" trên tất cả các lĩnh vực từ quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, doanh nghiệp, lao động... Nâng cao chất lượng vận hành quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 cho các công việc hành chính tại Ban Quản lý KKT./.
 

Nguồn: Ven.vn