Theo báo cáo của các địa phương và khảo sát thực tế cho thấy, trên địa bàn 03 tỉnh hiện nay có khoảng 25.000 hộ TĐC với tổng số trên 100.000 nhân khẩu. Các hộ dân TĐC được bố trí tương đối phân tán tại các khu, điểm TĐC tập trung hoặc bố trí TĐC xen ghép với người dân địa phương. Có những khu TĐC tập trung có quy mô đến 400 - 500 hộ và cũng có những điểm TĐC nhỏ lẻ chỉ có 30 - 40 hộ dân. Hầu hết các hộ dân TĐC đều thiếu đất sản xuất nông nghiệp; sản xuất CN-TTCN và hoạt động dịch vụ tại các khu vực TĐC hầu như mới chỉ ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ, rất khó khăn trong bố trí việc làm mới do vậy đời sống gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là các khu vực TĐC tập trung ở đô thị.
Đánh giá về những tiềm năng, khó khăn trong việc phát triển CN-TTCN tại các khu vực TĐC, Cục trưởng Cục CNĐP Ngô Quang Trung cho rằng: Về tiềm năng, trên địa bàn các khu vực TĐC tập trung hầu hết đều có thể bố trí quỹ đất để phát triển CN-TTCN; nguồn lâm sản của địa phương và lực lượng lao động thiếu việc làm cũng là điều kiện để phát triển CN-TTCN. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế nói chung và CN-TTCN nói riêng tại các khu vực TĐC cũng có không ít khó khăn, thách thức, như: Giao thông chưa thuận tiện; chất lượng nguồn nhân lực tại các khu vực này còn hạn chế do chủ yếu người dân TĐC là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, tay nghề thấp; nguồn vốn đầu tư cho phát triển còn thấp; thị trường đầu ra cho các sản phẩm hết sức khó khăn.
Cũng trong buổi làm việc, trên cơ sở thực tế của các khu vực TĐC, hầu hết ý kiến của Lãnh đạo các SCT và các địa phương đều thống nhất kiến nghị với Bộ Công Thương, Trung ương là rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển CN-TTCN cho tổng thể các khu vực TĐC trên địa bàn 03 tỉnh; nhằm từng bước ổn định đời sống, sinh kế cho đồng bào TĐC, đặc biệt tại các khu TĐC đô thị và các khu TDĐC tập trung. Ngoài ra, các địa phương cũng kiến nghị đối với các cơ chế, chính sách hiện có, cần có sự quan tâm, ưu tiên cho các khu vực TĐC để tạo thuận lợi cho phát triển CN-TTCN.
Kết thúc buổi làm việc, Cục trưởng Cục CNĐP chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục, đặc biệt là Phòng Quản lý khuyến công và Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 cần quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện, triển khai các đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn TĐC, giới thiệu giúp địa phương một số doanh nghiệp tập trung vào các ngành nghề: Chế biến nông, lâm sản sử dụng nguyện liệu sẵn có tại địa phương hoặc có khả năng phát triển tại địa phương; đầu tư sản xuất các sản phẩm truyền thống của địa phương; các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy và doanh nghiệp cơ khí sửa chữa nhỏ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Đây cũng là những ngành nghề mang tính định hướng ban đầu để phát triển CN-TTCN phù hợp với điều kiện của khu vực TĐC. Đồng thời Cục CNĐP cũng sẽ phối hợp với các SCT và các địa phương trong việc xây dựng, đề xuất với Bộ Công Thương, Trung ương các cơ chế, chính sách để phát triển CN-TTCN cho các địa phương nói chung và khu vực TĐC nói riêng trong thời gian tới.
Cục CNĐP (ARID)