Năm 2009, tổng kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ cho tỉnh Đăk Nông là 610 triệu đồng để thực hiện 08 đề án, gồm:

Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện Krông Nô (150 triệu đồng); 04 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật (260 triệu đồng); 03 đề án (xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sửa chữa, sản xuất máy móc phục vụ chế biến nông sản tại Cơ sở cơ khí Nguyễn Phước, xã Đăk R’la, huyện Đăk Mil; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp tại Cơ sở cơ khí Phú Hiền, xã Nam Bình, huyện Đăk Song và đề án tham quan học tập kinh nghiệm công tác khuyến công tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Định và Quảng Nam (200 triệu đồng).

Về kinh phí khuyến công địa phương, năm 2009, Đăk Nông không giao kế hoạch mà chỉ thực hiện từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương chuyển tiếp từ năm 2008 sang 2009, với tổng kinh phí là 332,224 triệu đồng để thực hiện 05 đề án; trong đó có 02 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, 02 đề án tuyên truyền, 01 đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp –TTCN. Hiện nay, các đề án đang trong giai đoạn triển khai thực hiện. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện công tác tư vấn phát triển công nghiệp 03 công trình: Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp -TTCN Quảng Tâm, Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp -TTCN huyện Krông Nô và tư vấn lưới điện trung hạ áp và trạm biến áp cấp điện cho lành thanh niên lập nghiệp xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, với tổng kinh phí thực hiện là 966,862 triệu đồng, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác trong toàn ngành Công nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến công vẫn còn nhiều nhiều hạn chế. Các cơ sở công nghiệp nông thôn chưa nắm bắt đầy đủ nội dung, mục đích, đối tượng, điều kiện để được hưởng kinh phí khuyến công, nên dẫn đến quá trình đăng ký đề án, thực hiện các đề án còn lúng túng. Sự phối hợp triển khai giữa Trung tâm với các đơn vị chưa nhịp nhàng, do cán bộ chuyên trách lĩnh vực công nghiệp ở các huyện chưa có, nên còn hạn chế trong công tác chuyên môn. Trình tự thủ tục để thực hiện đề án khuyến công còn rườm rà, làm cho đơn vị thụ hưởng cảm thấy phiền hà, gây chán nản và hậu quả là dễ bỏ ngang không thực hiện đề án.

Năm 2010, các đề án khuyến công sẽ ưu tiên tập trung những nội dung trọng tâm, thiết thực về đối tượng hỗ trợ được xét duyệt phù hợp với tình hình phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, gắn với các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Đăk Nông còn đưa ra nhiệm vụ chính của hoạt động khuyến công giai đoạn 2011 – 2015 là tập trung chủ yếu vào 07 nội dung chính: Đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề và thành lập làng nghề; Nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Xây dựng, hình thành và phát triển hệ thống khuyến công viên cấp xã; Hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển cụm công nghiệp; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động khuyến công; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân để tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất công nghiệp tích cực đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm... Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hoạt động khuyến công cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công ở cơ sở có đủ năng lực để thực hiện công tác khuyến công ở cơ sở đạt kết quả cao.
 

Phượng Hồng