Đến nay, qua 05 năm ổn định tổ chức và hoạt động, Trung tâm Khuyến công Đồng Nai đã từng bước khẳng định được vị thế trong cộng đồng cơ sở, doanh nghiệp, HTX và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Số lượng cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) ở Đồng Nai không ngừng tăng trưởng cả về số lượng, quy mô, chất lượng và trình độ tổ chức quản lý. Nếu năm 2005, số cơ sở nông nghiệp nông thôn là 9.660 cơ sở, thu hút 72.373 lao động, thì đến cuối năm 2008, toàn Tỉnh đã có hơn 10.874 cơ sở sản xuất, tăng 1.214 cơ sở, thu hút trên 92.680 lao động, với nhiều ngành nghề như: may mặc, thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, mây tre đan, đúc đồng, gốm sứ, chế biến nông sản thực phẩm... Nhiều làng nghề cũng đang dần được khôi phục và phát triển, nhiều nghề mới được nhân cấy. Nếu trước đây, các cơ sở sản xuất TTCN nông thôn chủ yếu là hộ gia đình và tổ hợp tác thì nay hầu hết đã phát triển thành các cơ sở, doanh nghiệp, HTX; Nhiều cơ sở tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, thu hút và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục ngàn lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn.
Năm 2009, các nội dung hoạt động khuyến công ở Đồng Nai liên tục được phát triển và mở rộng. Các nội dung của Nghị định 134/2004/NĐ-CP đã cơ bản vận dụng khá thành công, từng bước khẳng định vai trò, vị thế khuyến công trong cộng đồng cơ sở, doanh nghiệp nông thôn, với một số kết quả đáng khích lệ một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - TTCN ở Đồng Nai không ngừng tăng trưởng cả về số lượng, quy mô, chất lượng và trình độ tổ chức quản lý. Đặc biệt là trong năm 2009, mặc dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh ước đạt trên 84.500 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2008, gấp 2 lần so với năm 2005, góp phần đưa mức tăng trưởng bình quân công nghiệp Đồng Nai trong 5 năm qua lên 18,77%/năm. Trong đó, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP. Biên Hòa có giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN luôn đạt mức tăng trưởng cao.
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công đã tiến hành tổ chức đào tạo nghề cho lao động thuộc các nghề mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ, cơ khí, may mặc, dệt thổ cẩm… tại các huyện, thành phố như: Định Quán, Biên Hòa, Xuân Lộc, Tân Phú, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Long Thành và Thống Nhất nhằm bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề cho các cơ sở, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề TTCN truyền thống. Nghề mây tre đan với tổng số người được đào tạo là 1.527 người; Nghề gốm mỹ nghệ với tổng số lao động được đào tạo là 300 người; Nghề gỗ mỹ nghệ 352 người; Nghề dệt thổ cẩm với số lao động được đào tạo là 110 người; Cơ khí 208 người; May công nghiệp 300 người và đào tạo nghề may trang phục Kimono là 150 người. Tổng kinh phí hỗ trợ là 1.776,4 triệu đồng, trong đó khuyến công địa phương là 1.013 triệu đồng, còn lại là khuyến công quốc gia. Các học viên sau khi được đào tạo, truyền nghề đã được các cơ sở sản xuất tạo việc làm, với mức thu nhập bình quân từ 600.000 - 800.000 đồng/tháng đối với lao động không thường xuyên và 1.200.000 - 1.500.000 đồng/tháng đối với lao động thường xuyên. Nhờ hoạt động khuyến công, nhiều làng nghề truyền thống ở Đồng Nai đã dần được khôi phục và phát triển như: nghề mây tre đan, nghề dệt thổ cẩm, gỗ mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ, đúc đồng, đúc gang,.. giải quyết ngày càng nhiều lao động ở khu vực nông thôn.
Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức cuộc thi sáng tạo kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ, cuộc thi được phát động và nhận được sự hưởng ứng và thu hút nhiều tác phẩm tham dự của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân, sinh viên các trường mỹ thuật. Năm 2009, cuộc thi thu hút nhiều tác phẩm như: Gỗ mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ, mây tre đan, tranh gạo, sản phẩm từ cây dừa... từ các tỉnh bạn như: Bến Tre, Long An, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, Trung tâm còn tổ chức các lớp chuyên đề thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của thiết kế để tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, Trung tâm khuyến công còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham dự diễn đàn giới thiệu cơ hội kinh doanh với đoàn doanh nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp có được cơ hội tìm kiếm đối tác kinh doanh, hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn thường xuyên tư vấn, hỗ trợ đến các cơ sở sản xuất CNNT trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp sản xuất, thương mại lớn trong việc sơ chế nguyên liệu đầu vào, gia công lắp ráp sản phẩm,…để giảm chi phí đầu tư và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất CNNT phát triển ổn định và bền vững; Tổ chức các buổi hội thảo về kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường, công nghệ kỹ thuật mới, nhằm trao đổi, phổ biến, nghiên cứu áp dụng vào các cơ sở CNNT; Hướng dẫn, tư vấn cho phòng Kinh tế, Công Thương một số huyện trong việc xây dựng chương trình phát triển làng nghề trên địa bàn huyện giai đoạn 2007-2010. Triển khai thực hiện công tác khuyến công trong những năm qua đã giúp cho lực lượng cán bộ khuyến công rút kết được nhiều kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của cán bộ khuyến công được nâng lên rõ rệt. Mối quan hệ gắn kết giữa Trung tâm Khuyến công Đồng Nai với các phòng Kinh tế, Công Thương và các Trung tâm Khuyến công của các tỉnh bạn là cơ sở cho việc trao đổi kinh nghiệm và thực hiện tốt các nhiệm vụ khuyến công.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, rút kinh nghiệm hoạt động khuyến công từ năm 2009 trở về trước, nhằm góp phần thúc đẩy CNNT tiếp tục phát triển, công tác khuyến công năm 2010, Trung tâm tập trung một số định hướng như : Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về công tác khuyến công, trong đó đặc biệt chú trọng các hoạt động tư vấn, thông tin thị trường và thông tin khoa học - công nghệ và thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế; Tập trung vào công tác đào tạo kiến thức quản lý doanh nghiệp với các đối tượng và ngành nghề theo quy định tại Nghị định 134 nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất CNNT; Tăng cường công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhất là đối với các ngành nghề TTCN, ngành nghề truyền thống, nhằm tận dụng lao động nhàn rỗi tại nông thôn và nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm CNNT thông qua việc tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm trên Website và bản tin của Trung tâm; Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham quan học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường; Nâng cao và mở rộng các hoạt động tư vấn nhằm hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất đầu tư và phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, tiến tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm cho cơ sở CNNT.
Nguyễn Thanh Liêm
Giám đốc Trung tâm Khuyến công Đồng Nai