Với diện tích tự nhiên lên tới 9.772,19 km2 và một nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng như các loại cây công nghiệp (617.000 ha rừng với gồm nhiều loại tre, nứa, lồ ô,…) các loại khoáng sản (Bauxite, Bentonite, Kaolin, Diatomite và than bùn) với trữ lượng lớn, tập trung cùng với một hệ thống các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa hiện diện khắp các vùng trong tỉnh.

       Những năm qua, Lâm Đồng đã triển khai tốt các hoạt động khuyến công, góp phần phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, khoáng sản, ngành chăn nuôi và cây công nghiệp dài ngày… tạo nên những gam màu mới trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Và có thể khẳng định đó là những gam màu tươi sáng.
       Bên cạnh việc đầu tư cho các khu công nghiệp, Lâm Đồng còn rất quan tâm đến việc triển khai các hoạt động khuyến công, nhằm tạo nên sự thay da đổi thịt cho các vùng nông thôn. Năm 2008, chương trình khuyến công của tỉnh đã thực hiện được tổng cộng 57 đề án khuyến công, trong đó 50 đề án từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, 01 đề án từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và 06 đề án từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước để phục vụ cho công tác khuyến công với tổng kinh phí đã thực hiện gần 5 tỷ đồng. Đã có 15 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực chế biến nông lâm - khoáng sản, sửa chữa cơ khí, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp du lịch được nhận nguồn vốn hỗ trợ có thu hồi từ nguồn vốn khuyến công. Tỉnh đã mở 06 lớp tập huấn và học tập kinh nghiệm các mô hình điểm tại trong và ngoài tỉnh để nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thu hút trên 200 lượt người ở các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh tham dự, ... song song với đó là việc tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tiến độ thực hiện của dự án cũng như hướng dẫn các đơn vị trong việc xây dựng đề án và giải ngân kinh phí. Ngoài ra, Trung tâm cũng duy trì xuất bản định kỳ tập tin khuyến công, hỗ trợ xây dựng và duy trì trang Web của ngành nhằm cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp, các địa phương về hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh.
       Trong năm 2009, với trên 5,6 tỷ đồng nguồn kinh phí khuyến công, Lâm Đồng sẽ tiếp tục triển khai sâu và rộng hơn nữa các mô hình khuyến công trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn là một hướng đi đúng đắn đã được nhiều địa phương thực hiện thành công, riêng Lâm Đồng, với việc thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu thực trạng nghề thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số và giải pháp phát triển” và việc xây dựng dự thảo quy định về công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống ở Lâm Đồng, xét tặng danh hiệu nghệ nhân cấp tỉnh, đưa ra các giải pháp bảo tồn, khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số , ngành Công Thương Lâm Đồng đã thực sự đánh thức được những tiềm năng phát triển kinh tế còn đang “ngủ quên” ở đâu đó trong các vùng quê. Tạo ra những giá trị vật chất đáng kể, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Mà minh chứng rõ nét nhất chính là sự lớn mạnh trông thấy của các hộ sản xuất, các hợp tác xã, làng nghề.
       Nắm bắt được những mặt còn hạn chế của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh là năng lực, kinh nghiệm quản lý, thiếu thông tin về thị trường, nguồn nguyên liệu,… trong lĩnh vực ngành nghề hoạt động nên công tác khuyến công của tỉnh đã tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Từ đó, tạo ra những đổi thay đáng kể. Các doanh nghiệp gia tăng được hiệu quả quản lý nhân sự và nguồn vốn, có được những thông tin khá phong phú và đầy đủ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó gặt hái được nhiều thành công hơn. Công tác hỗ trợ, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp cũng mang lại những hiệu quả rõ rệt, có gần 40 doanh nghiệp của Lâm Đồng nhận được sự hỗ trợ để tham gia các hội chợ triển lãm tại khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, thông qua hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp của tỉnh mở rộng quan hệ làm ăn, có thêm nhiều bạn hàng mới.
       Công tác khuyến công tại Lâm Đồng còn có một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển công nghiệp theo hướng tập trung và chuyên môn hóa. Nguồn vốn khuyến công tỏ ra hiệu quả rõc rệt trong việc hỗ trợ quy hoạch chi tiết và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp. Nguồn vốn khuyến công thực sự trở thành động lực thúc đẩy cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương, không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, mà còn mang tính chiến lược, phát triển một cách có quy hoạch, bền vững. Một ý nghĩa quan trọng của hoạt động khuyến công tại Lâm Đồng chính là việc tạo nên diện mạo mới và tăng vai trò đóng góp của các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất cho kinh tế địa phương, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
 

 Lê Hằng