Vài năm trở lại đây, tỉnh Thái Bình tích cực triển khai các hoạt động khuyến công theo Nghị định 134/2004 của Chính phủ, hỗ trợ công nghiệp nông thôn phát triển.

Sau 5 năm thực hiện Nghị định 134/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, tỉnh Thái Bình đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp của tỉnh như Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công, Quy định chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề, Quy định về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, Quy định quản lý Khu, cụm, điểm công nghiệp. Các chính sách này đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Trong các nội dung hoạt động khuyến công, tỉnh Thái Bình đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, với sự quan tâm và giao kế hoạch của Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương. Trong năm 2006, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chiết suất rutin từ hoa hòe của công ty TNHH Quế Hòe, góp phần nâng cao giá trị mặt hàng hoa hòe xuất khẩu của nước ta, đáng kể là đã làm tăng giá bán nguyên liệu đầu vào của nông dân từ 30-50%; đồng thời giúp cho công ty CP chế biến nông sản thực phẩm Đạt Doan lập phương án và đầu tư xây dựng nhà máy chiết suất rutin từ hoa hòe qua học tập kinh nghiệm của công ty Quế Hòe. Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất vàng mã đã giúp công ty Hà Phương mở rộng quy mô sản xuất, nâng tổng vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, số lao động vệ tinh tăng từ 1000 người lên 3000 người, doanh thu của công ty tăng từ 20 tỷ năm 2006 lên 74 tỷ năm 2008. Việc tăng quy mô sản xuất của công ty Hà Phương còn thu hút thêm nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh đầu tư sản xuất cung cấp nguyên liệu cho đơn vị này, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Năm 2007 Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong các lĩnh vực chế tạo máy in Flexo cho công ty TNHH Quốc Hòa, cấp đông để bảo quản và chế biến hải sản cho công ty TNHH Biển Đông. Năm 2008, Trung tâm thực hiện 5 mô hình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất dạ, nỉ từ dư liệu của ngành may mặc; sản xuất cửa nhựa lõi thép uPVC; sản xuất găng tay nhúng cao su; mô hình than khí hóa để thay thế khí mỏ phục vụ công nghiệp sản xuất sứ vệ sinh; chế biến mỳ ăn liền. Từ thực tế ở địa phương, ông Hà Văn Hải-giám đốc Trung tâm đánh giá: "Việc triển khai xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật tại Thái Bình đã góp phần tăng giá trị sản xuất của doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…"
Cũng theo ông Hải, để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật thành công, Trung tâm có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị đủ mạnh; việc lựa chọn đối tượng, ngành nghề đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp định hướng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành công nghiệp của địa phương. Từ những kết quả thu được và kinh nghiệm đúc rút qua 3 năm thực hiện, năm 2009 này, Trung tâm được giao nhiệm vụ xây dựng 7 mô hình trình diễn kỹ thuật.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới tác động mạnh đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp của các địa phương nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng, để tăng hiệu quả công tác khuyến công địa phương năm 2009, ngay từ cuối năm 2008, Sở Công Thương tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tập trung vào các nội dung như hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp làng nghề, sản xuất các sản phẩm mới, chế biến hàng nông sản, thực phẩm, sản phẩm phục vụ xuất khẩu; Hỗ trợ quy hoạch xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề; Đào tạo lao động, giải quyết việc làm cho lao động tại các xã bị thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình đã thực hiện được 70% kế hoạch đào tạo, dạy nghề thông qua 14 lớp dạy nghề may công nghiệp cho gần 500 học viên tại các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Tiền Hải và Thành phố Thái Bình. Chuẩn bị tổ chức dạy nghề sản xuất xứ tại khu công nghiệp huyện Tiền Hải. Việc xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật cũng đã vượt 30% so với cùng kỳ năm 2008. Ông Vũ Quang Tuấn-phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết: "Từ đầu năm đến nay, trong tình hình suy thoái kinh tế thế giới, Với kinh phí hơn 4 tỷ đồng khuyến công quốc gia và địa phương, các hoạt động đã đóng góp rất nhiều cho sản xuất công nghiệp của tỉnh-chiếm hơn 30%, giữ vững 219 làng nghề….).
Từ nay đến cuối năm, để đóng góp tích cực vào chỉ tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công sản xuất công nghiệp 27,5% so với năm 2008 của tỉnh, hoạt động khuyến công của tỉnh Thái Bình tập trung tập huấn nâng cao trình độ quản lý cho các chủ doanh nghiệp, đào tạo nghiệp vụ quản trị kinh doanh, kế toán doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn; Tổ chức daỵ nghề, truyền nghề cho nông dân tại các xã vùng sâu, xa trong tỉnh.
 

CTV: Anh Tú