Trong năm 2011, hoạt động khuyến công ở Đắk Lắk tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo mà trực tiếp là sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Sở Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương.


 Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công thường xuyên bám sát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch của Ngành đề ra trên cơ sở cụ thể hoá bằng các chương trình, đề án cụ thể.

Kết quả đạt được.

Năm 2011 thực hiện được 21 dự án góp phần tạo được thêm nguồn thu và đã góp phần quan trọng trong nâng cao năng lực cho Trung tâm. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công đã triển khai được 07 đề án với tổng kinh phí Khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện là 1.132 triệu đồng, bao gồm: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật tại các cơ sở lấy đây làm mô hình điểm để tính toán hiệu quả kinh tế, xã hội, tiến đến nhân rộng ra nhiều địa phương khác nhằm phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của Đắk Lắk trong lĩnh vực chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Cục Công nghiệp địa phương giao 04 đề án với tổng kinh khuyến công quốc gia hỗ trợ 572 triệu đồng, cụ thể như:
- Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trình chế biến nông sản (rau, củ, quả...) tại Công ty TNHH Công Thương Miền Đông, cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar, quy mô 250 tấn sản phẩm/năm với kinh phí hỗ trợ là 208 triệu đồng nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương trong lĩnh vực chế biến nông sản thông qua việc đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo việc làm cho 200 lao động tại chỗ và bảo vệ môi trường, ổn định bao tiêu vùng nguyên liệu cho nông dân tại địa phương và một số vùng lân cận.

- Trình diễn kỹ thuật mô hình chế biến cà phê chè bằng công nghệ ướt tại DNTN Thương mại và Dịch vụ Thuận Phát, quy mô 900 tấn quả tươi/năm với kinh phí hỗ trợ là 90 triệu đồng nhằm nâng cao chất lượng cà phê sau chế biến tại các nông hộ, phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của Đắk Lắk trong lĩnh vực trồng, chăm sóc và chế biến cà phê.

- Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất nhang (hương) xuất khẩu tại Công ty TNHH Khải Việt, quy mô 375 tấn sản phẩm/năm với kinh phí hỗ trợ là 100 triệu đồng nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho 20 lao động tại địa phương và phát triển sản xuất kinh doanh cho cơ sở nói riêng và công nghiệp nông thôn trên địa bàn nói chung.

- Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gia công tôn, xà gồ thép tại Hộ kinh doanh VLXD Ngọc Ánh, công suất: 125.000m sản phẩm xà gồ/năm và 150.000m tôn/năm với kinh phí hỗ trợ là 114 triệu đồng nhằm tận dụng nguồn lao động sẵn có, giải quyết được nhu cầu vật liệu xây dựng trong huyện, thay thế vật liệu xây dựng bằng gỗ góp phần hạn chế phần nào nạn chặt phá rừng, tạo việc làm cho 20 lao động tại địa phương.

Về hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất CN-TTCN đã triển khai cho 01 doanh nghiệp ứng dựng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất bê tông tươi công suất 7.600 m3/năm tại Công ty TNHH xây dựng Thành Nghĩa, huyện Krông Ana với tổng kinh phí hỗ trợ là 60 triệu đồng, nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất bê tông phục vụ nhu cầu tại địa phương, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, phát triển kinh tế cho cơ sở, tạo việc làm cho khoảng 15 lao động tại địa phương.

Công tác truyền nghề cũng được quan tâm, trung tâm đã hỗ trợ dụng cụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu gỗ và khảm trai cho 24 học viên là con em lao động thanh niên nông thôn tại xã Cư Ni và thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar với tổng kinh phí thực hiện là 80 triệu đồng (kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ: 50 triệu đồng) nhằm trang bị kiến thức về sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đồng thời tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động và mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh cho cơ sở.

Tích cực phối hợp với:

- Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk tập huấn kỹ thuật sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch cho 200 hội viên nông dân tại huyện Ea Kar và Krông Ana với kinh phí thực hiện là 60 triệu đồng nhằm giúp cho hội viên nông dân tiếp cận những kỹ năng cần thiết trong việc sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông hộ.

- Tỉnh đoàn Đắk Lắk tập huấn khởi sự doanh nghiệp; hội thảo giới thiệu các kinh nghiệm quản lý, quản trị doanh nghiệp công nghiệp nông thôn tại thị xã Buôn Hồ với kinh phí thực hiện là 60 triệu đồng nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về kinh doanh, những bước để lập một dự án kinh doanh, xây dựng một doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp, khơi dậy cho thanh niên tinh thần tự thân lập nghiệp, trách nhiệm của doanh nhân đối với cộng đồng xã hội… để họ có thể trở thành những chủ doanh nghiệp thành đạt trong tương lai.

- Hội Cơ khí tỉnh triển khai nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm cơ khí chủ lực của tỉnh nhằm tư vấn, cung cấp thông tin về công nghệ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất cho trên 120 lượt người.

Khó khăn chưa hết

Có được thành công trên, Trung tâm Khuyến công Đắk Lắk vượt qua không ít khó khăn như đội ngũ cán bộ làm công tác Khuyến công chưa có nhiều kinh nghiệm nên quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn trong việc theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả và chưa dự kiến được tiến độ, kết quả thực hiện. Phương tiện đi lại chưa được trang bị do đó không chủ động trong việc triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát. Trong điều kiện tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn do phải triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tăng trưởng tín dụng, thắt chặt chi ngân sách, tập trung kiềm chế lạm phát nên phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn gặp khó khăn về nguồn lao động có tay nghề, nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ... Bên cạnh đó, trong năm qua các DN và các cơ sở sản xuất công nghiệp còn phải đối mặt với tình hình giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao; một số DN phải hoạt động cầm chừng vì nhiều lý do, như thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thiếu ổn định.

Bên cạnh đó, nguồn ngân sách cấp cho hoạt động khuyến công hạn chế nên phần kinh phí hỗ trợ không hoàn lại cho từng đề án có giá trị thấp, chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng mức đối ứng, vì vậy chương trình Khuyến công chưa đủ động lực để thúc đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh nhà. Việc du nhập, thu hút phát triển thêm ngành nghề mới còn rất hạn chế, công tác đào tạo, truyền nghề và phát triển các ngành nghề nông thôn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuyển sinh dẫn đến khó triển khai thực hiện.

Dự kiến năm 2012, tập trung vào các lĩnh vực:

(1) Đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc, hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là trên 2.800 triệu đồng cho các hoạt động đào tạo nghề: 870 người, mô hình trình diễn kỹ thuật xây dựng 04 mô hình, hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc: 02 cơ sở, hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 02 cụm công nghiệp.
(2) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của của Đảng và Nhà nước về hoạt động Khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.
(3) Bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống, phát triển nghề gắn liền với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo việc làm bền vững, đảm bảo khi đào tạo xong số lao động có việc làm ngay tại doanh nghiệp; Định hướng, quy hoạch công nghiệp nông thôn để tạo tiền đề cho việc phát triển các làng nghề về sau.
(4) Thường xuyên nắm bắt thông tin, cập nhập các công nghệ thiết bị mới để tư vấn hỗ trợ các cơ sở sản xuất CN-TTCN tại các địa phương, tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm sản xuất để đổi mới ứng dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
(5). Đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm CN-TTCN tại các đợt hội chợ, triển lãm trong nước và tìm kiếm cơ hội giao thương, mở rộng thị trường ra nước ngoài, góp phần giúp doanh nghiệp tại địa phương phát triển hơn nữa trong tiến trình hội nhập. 


Nguồn: IRV