Với đặc thù của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, khuyến công Điện Biên cần một cơ chế đặc thù để phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.

 

Sau 6 năm triển khai Quyết định 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia, hoạt động khuyến công của tỉnh Điện Biên chưa tạo được sức bật mạnh mẽ cho ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh.

 

Chia sẻ về những khó khăn của ngành công nghiệp nông thôn Điện Biên, ông Nguyễn Văn Cộng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Điện Biên vẫn được biết đến là một địa phương khó khăn nhất trong 14 tỉnh trung du miền núi Bắc bộ, ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh theo đó cũng rất nhỏ bé, lạc hậu. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có làng nghề, mới chỉ có một số làng có nghề, tuy nhiên, các làng có nghề này vẫn sản xuất theo kiểu thủ công, truyền thống và phục vụ cho khách du lịch là chính chứ chưa phát triển theo hướng sản xuất công nghiệp, hàng hóa. Số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn cũng rất ít, có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính rất hạn chế nên rất khó đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

 

Hơn nữa, do địa hình chia cắt, dân cư phân bố rải rác... hạ tầng điện nông thôn của Điện Biên còn nhiều khó khăn và chưa được phủ kín, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn sử dụng điện của tỉnh mới đạt 74,69%. Trong khi đó, rất nhiều các cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh không đủ điều kiện để thụ hưởng sự hỗ trợ của chương trình khuyến công. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác khuyến công còn hạn chế, cán bộ quản lý công nghiệp cấp huyện 100% kiêm nhiệm…cũng là vấn đề khiến việc triển khai kế hoạch khuyến công gặp nhiều trở ngại…

 

Khắc phục mọi khó khăn, trong những năm qua Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cũng đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động khuyến công, hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển. Trong đó, với gần 4 tỷ đồng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ, Trung tâm khuyến công tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, chế biến chè, sản xuất chổi chít xuất khẩu, sản xuất mộc dân dụng cho 3.510 lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Phần lớn lao động đã có việc làm sau học nghề.

 

Trung tâm cũng đã phối hợp với các đơn vị thụ hưởng tổ chức trình diễn mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất miến dong, chế biến chè cây cao, vật liệu xây dựng…nhằm thu hút sự quan tâm của các cơ sở và nhân rộng mô hình. Tổ chức quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Đông Nam huyện Tuần Giáo. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn về lĩnh vực maketing, quản lý lao động…

 

Tuy nhiên, sự nỗ lực của công tác khuyến công Điện Biên những năm qua chưa đủ tạo sức bật cho ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh khi mới có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và sự hỗ trợ từ địa phương là rất ít. Theo đó, để công tác khuyến công Điện Biên hoàn thành được nhiệm vụ và đạt hiệu quả như mong muốn, cần phải có cơ chế đặc thù cho Điện Biên cũng như các tỉnh miền núi bởi chính sách chung áp dụng cho các địa phương trên cả nước không hoàn toàn phù hợp với điều kiện của các tỉnh miền núi.

 

 BÙI VIỆT