Hà Nội có trên 600 làng nghề thủ công mỹ nghệ. Những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề đã tạo ra những sản phẩm truyền thống, độc đáo, đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn và tạo ra gần 1 triệu việc làm cho người lao động.


Thế nhưng, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, làng nghề Hà Nội lại đang đứng trước nguy cơ bị mai một, khi thiếu đi sự sáng tạo đặc trưng của sản phẩm. Vì vậy, những năm gần đây, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã đảm nhiệm vai trò của mình, là hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực và hiệu quả vào cuộc thi này.


Tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm do sở Công Thương Hà Nội phát động từ những năm đầu tiên, Công ty sơn mài Cửa Đỏ rất hài lòng và tin tưởng vào cuộc thi này. Sản phẩm năm ngoái của công ty sau khi đạt giải nhất, đã được sản xuất và xuất khẩu hàng loạt. Doanh thu tăng, thương hiệu nhờ đó cũng được nhiều người biết đến hơn. Đại diện doanh nghiệp cho biết, cuộc thi là một sân chơi bổ ích, cần thiết cho những doanh nghiệp sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Cũng nhờ đó mà các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tăng sức sáng tạo ra những thiết kế mới lạ, để hiệu quả kinh tế cao hơn. Không chỉ có vậy, trong quá trình tham dự cuộc thi, doanh nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội. Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc công ty TNHH Cửa Đỏ cho biết: Đến năm 2014 là lần thứ 3 công ty Cửa Đỏ tham gia cuộc thi thiết kế mẫu cho mặt hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Người Việt Nam không thiếu về mặt kinh nghiệm, không thiếu về máy móc nhưng về mặt ý tưởng thiết kế luôn luôn bị lạc hậu so với xu hướng phát triển chung của thế giới. Công ty chúng tôi rất mong muốn tham gia cuộc thi này để học hỏi từ các chuyên gia, các công ty bạn nhằm phát triển những sản phẩm của công ty.


Là chủ cơ sở, đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm thiết kế sản phẩm từ chất liệu sừng của cơ sở thủ công mỹ nghệ Xuân Cường, anh Phạm Xuân Cường đã từng gặp nhiều khó khăn trong việc sáng tạo ra những mẫu mã mới. Và người đã giúp anh khơi thông mạch sáng tạo, chính là những chuyên gia tư vấn thiết kế ở sở Công Thương Hà Nội. Từ đó, những sản phẩm mới của anh đã vươn xa hơn đến với những thị trường nước ngoài. Anh Cường, chia sẻ: Nói đến thiết kế thì ai cũng vậy thôi, mãi rồi cũng có lúc phải mệt và thông qua mỗi một chương trình, mỗi một cuộc thi sáng tạo mới cũng như một liều thuốc hồi sinh cho thiết kế. Sở Công Thương luôn luôn có những cán bộ tìm hiểu xem thị trường cần gì, cụ thể ra sao thì bên Khuyến công đã có những tư vấn để cho những doanh nghiệp bám sát vào những gì thị trường đang cần.


Gốm sứ Bát Tràng vốn đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Là chủ tịch hội nghệ nhân Bát Tràng, Hà Nội, ông Vương Mạnh Tuấn gắn bó với nghề gốm đã 40 năm. Tuy vậy, ông vẫn vừa sản xuất vừa tìm tòi thêm những mẫu mã mới. Năm nay, được sự động viên khích lệ của Trung tâm Khuyến công, ông cùng 50 nghệ nhân nữa quyết định tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ 2014. Qua cuộc thi này, ông muốn một lần nữa khẳng định vị thế của gốm Bát Tràng trước sự cạnh tranh của gốm sứ nước ngoài. “Mong muốn lớn nhất là được thử sức qua các cuộc thi mang lại và làm sao phát huy được tốt nhất đủ tiêu chí cuộc thi để phục vụ nhu cầu trong nước. Cuộc thi đợt tới này thì anh em chúng tôi trong câu lạc bộ cũng như trong làng gốm sẽ cố gắng cho ra những sản phẩm tốt nhất để khẳng định vị trí gốm Bát Tràng đã tồn tại từ lâu”, Ông Tuấn cho biết.


Nâng cao tính sáng tạo để ứng dụng vào thương mại của sản phẩm TCMN, là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với các làng nghề Hà Nội hiện nay. Qua đó, mới cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong chương trình Khuyến công địa phương năm 2014, của UNBD TP Hà Nội để giúp đỡ các doanh nghiệp trên địa bàn giữ vững, bảo tồn và phát huy các sản phẩm truyền thống.


Theo Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Hà Nội thì mẫu mã sản phẩm, là một vấn đề tồn tại và điểm yếu cố hữu của các làng nghề. Được sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sự chỉ đạo của Sở Công Thương, ba năm gần đây Trung tâm tổ chức cuộc thi để thu hút các nghệ nhân, các nhà sản xuất kinh doanh thủ công mỹ nghệ, và thậm chí các cá nhân có quan tâm đến thủ công mỹ nghệ tham gia vào cuộc thi này, mục đích tạo ra những sản phẩm mới trong lĩnh vực TCMN nhằm khắc phục phần nào những khó khăn yếu điểm của lĩnh vực TCMN … tăng sức cạnh tranh của TCMN trên thị trường trong nước cũng như ở thị trường xuất khẩu.


Năm ngoái, cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã thu hút được hơn 200 tổ chức, cá nhân tham gia với trên 300 mẫu sản phẩm dự thi. Sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, các doanh nghiệp cho thấy họ đã nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế sản phẩm mẫu mã trong kinh doanh. Cuộc thi năm nay sẽ được tổ chức vào tháng 10 và đây sẽ là một luồng gió mới đến các làng nghề vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. Thúc đẩy điều này chính là góp phần đưa các sản phẩm TCMN đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

 


Lê Hùng - Cục CNĐP (ARID)