Phú Thọ là một trong những địa phương phát triển ngành sản xuất chè ở quy mô công nghiệp sớm nhất toàn quốc. Nguồn cung nguyên liệu cũng được xác định là dồi dào bởi cây chè được phát triển khắp trên các huyện trong tỉnh, như: Yên Lập, Thanh Ba, Thanh Sơn, Tân Sơn và Hạ Hòa. Trong những năm vừa qua cây chè đã được Chính phủ quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển bằng nhiều dự án trồng mới, thay đổi giống mới, tăng diện tích...

 

Theo đó năng suất và sản lượng chè búp tươi cũng tăng lên nhiều. Tuy nhiên, giá trị kinh tế ngành chè mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, Phú Thọ hiện chưa có sản phẩm chè đặc trưng của địa phương; sản phẩm chè đen xuất khẩu có giá bán thấp; thu nhập bình quân của người làm chè ở Phú Thọ chưa cao; sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu.

 

Một trong những nguyên nhân không nhỏ là chất lượng lao động trong sản xuất, chế biến chè quá thấp, lao động chưa qua đào tạo trong khi công nghệ chế biến chè xuất khẩu liên tục được đổi mới theo hướng tiên tiến, hiện đại, đồng thời yêu cầu tiêu chuẩn xuất khẩu nhất là xuất khẩu sang các nước Tây Âu ngày càng nâng cao và kiểm soát nghiêm ngặt.

 

Vừa qua, Trung tâm Khuyến công, Tư vấn và Tiết kiệm năng lượng Phú Thọ đã phối hợp với Công ty TNHH Ngọc Hải - xã Quế Lâm huyện Đoan Hùng tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề chế biến chè xuất khẩu cho 105 học viên, chủ yếu là lao động nông thôn của xã Quế Lâm huyện Đoan Hùng và địa phương lân cận. Lớp học được sự giảng dạy, hướng dẫn trực tiếp của các giáo viên là cán bộ, quản lý, thợ giỏi, thợ có tay nghề cao của Công ty. Đây là cách đào tạo nghề rất thiết thực, hiệu quả, bởi sau khi được đào tạo, các học viên không chỉ được kiểm tra tay nghề và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, mà còn được Công ty nhận vào làm việc. Đồng thời, qua lớp học xây dựng được một đội ngũ lao động có tay nghề góp phần để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu.

 

Anh Thái