Các hoạt động đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở CNNT, nên hầu hết lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo. Đến nay đã có 10 làng nghề, ngành nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Một số sản phẩm như nước mắm, chè vằng, tiêu Cùa, rượu Xika… đã có thương hiệu trong và ngoài tỉnh. Hoạt động đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý cho trên 220 lượt người; tổ chức 08 đoàn khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu các mô hình sản xuất trong nước cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh theo các chuyên đề: chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất, cơ khí, thêu ren xuất khẩu... Tổ chức các hội thảo chuyên đề về: Tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Quảng Trị; Phát triển ngành cơ khí tỉnh Quảng Trị; Phát triển làng nghề-ngành nghề TTCN; Phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng suất chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và gia tăng giá trị sản xuất CN-TTCN, giải quyết việc làm cho lao động, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 23 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới, giới thiệu các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Hỗ trợ cho 78 cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ thực hiện 11 cơ sở đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm TTCN. Kinh phí thực hiện cho Chương trình này là 3.798 triệu đồng trong tổng vốn đầu tư của chủ cơ sở CNNT tham gia thực hiện và thụ hưởng khoảng 91 tỷ đồng. Trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ xây dựng 03 mô hình, với kinh phí 410 triệu đồng, thu hút được 21,203 tỷ đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp... Một số mô hình trình diễn thực hiện và đến nay đang phát triển, tạo ra hiệu quả trong sản xuất và có tính nhân rộng cao như: Dây chuyền sản xuất và đánh bóng gạo của Công ty TNHH Hoành Huệ, hệ thống sấy nông sản sau thu hoạch ở Hải Lăng; sản xuất miến dong của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, sản xuất củi ép từ trấu phế thải tại thị xã Quảng Trị, sản xuất tã giấy bằng công nghệ phun keo tự động…
Bằng nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh và Trung ương đã hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 15 cụm công nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.360 triệu đồng và 01 điểm công nghiệp làng nghề bún Thượng Trạch, huyện Triệu Phong. Đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch được 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích 518 ha và 02 điểm công nghiệp với diện tích 2 ha, cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất công nghiệp và di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào cụm công nghiệp. Góp phần tích cực thu hút đầu tư phát triển CN - TTCN, bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thông qua các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh, khu vực giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy CNNT phát triển. Trực tiếp và vận động hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp CNNT trên địa bàn tham gia hội chợ triển lãm hàng CNNTTB tại các tỉnh Bắc Trung bộ, khu vực miền Trung – Tây Nguyên; hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2012 và 2014. Kết quả có 40 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh và có 16 sản phẩm tham gia bình chọn khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Công tác thông tin, tuyên truyền, đã thực hiện và phát sóng hơn 108 chuyên đề “Trang Công Thương Quảng Trị”, thực hiện chương trình đối thoại, gặp gỡ giao lưu nhân ngày doanh nhân Việt Nam, ngày truyền thống ngành Công Thương... Đã biên tập và phát hành 26 số Bản tin/Đặc san Công Thương Quảng Trị (từ 2-4 số/năm), với trên 7.800 bản; Thường xuyên cập nhật các tin bài, hình ảnh hoạt động khuyến công lên trang thông tin điện tử khuyến công Quảng Trị, Tạp chí Công thương, Bản tin khuyến công của Bộ Công Thương... Thực hiện biên tập và xuất bản “Tài liệu công tác khuyến công” để cung cấp cho các cơ sở CNNT hệ thống các văn bản pháp luật về công tác khuyến công.
Từ một tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, Quảng Trị đã từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Năm 2005 cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng chiếm 25,7%, nông nghiệp từ 35,9%, dịch vụ 38,4% thì đến năm 2012 công nghiệp-xây dựng là 37,1% và nông nghiệp còn 26,3% và dịch vụ 36,6%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, nguồn vốn khuyến công chủ yếu từ ngân sách tỉnh, chưa động viên, huy động được nhiều nguồn lực khác tham gia; hồ sơ thủ tục thực hiện đề án khuyến công vẫn còn phức tạp; chưa xây dựng được các đề án khuyến công có tầm ảnh hưởng lớn, có vai trò làm hạt nhân thúc đẩy. Việc triển khai các nội dung của Chương trình hoạt động khuyến công nhưng vẫn chưa đồng bộ giữa các nhiệm vụ cả về nội dung và nguồn kinh phí thực hiện; công tác đào tạo nghề, truyền nghề và du nhập nghề mới chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, công tác tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đầu ra cho sản phẩm làng nghề, ngành nghề truyền thống vẫn hạn chế.
Tuy nguồn hỗ trợ không lớn nhưng thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn đã có tác động tích cực đối với khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất và tạo việc làm cho lao động nông thôn địa phương. Điều này cũng khẳng định hoạt động khuyến công là một chủ trương, một hướng đi phù hợp để phát triển CN-TTCN. Những kết quả sau 10 năm hoạt động khuyến công đã tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh trong giai đoạn tới nhằm mục tiêu khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CN - TTCN một cách bền vững, gắn chế biến với phát triển vùng nguyên liệu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu, giảm thiểu phát thải góp phần bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của các cơ sở CNNT trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.
Nguyễn Văn Trình