Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có, đặc biệt là nguồn cung cấp lao động kỹ thuật cơ khí, đúc, luyện kim để phục vụ cho chiến lược tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên đã xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đúc chi tiết các sản phẩm từ kim loại bằng lò trung tần hiệu suất cao tại Công ty Cổ phần Đúc Thái Nguyên


Cùng với sự phát triển nhanh của các ngành công nghiệp thì nhu cầu về các sản phẩm gang, thép đúc cung cấp cho sản xuất của các nhà máy chế tạo thiết bị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận ngày càng lớn. Vì vậy, Công ty Cổ phần Đúc Thái Nguyên đã tiến hành đầu tư xây dựng Nhà máy Đúc gang và Gia công cơ khí, công suất đạt 2.000 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm chủ yếu là nắp ga cống, song chắn rác, chân cột đèn chiếu sáng, các loại chi tiết máy công nghiệp, nông nghiệp,.... Dự kiến khi đi vào hoạt động ngoài mục tiêu tăng năng suất đáp ứng nhu cầu của thị trường, đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho trên 60 lao động địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Thành phố nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.


Theo ông Lê Quang Hòa – Giám đốc Công ty cho biết, trước đây Công ty nấu luyện bằng lò chõ theo công nghệ cũ, được đưa vào sản xuất từ năm 1990, nên năng suất không đáp ứng nhu cầu thị trường và tiêu hao năng lượng rất lớn. Được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên, Công ty đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại hơn để sản xuất sản phẩm đúc chi tiết chất lượng cao. Với việc đầu tư sản xuất sản phẩm đúc chi tiết từ kim loại bằng lò trung tần hiệu suất cao sẽ cải thiện được cơ tính, tổ chức kim loại ở bề mặt kín xít, chặt hơn, cơ tính tăng 15 - 30 % và độ bền tốt hơn, đặc biệt giảm được chi phí nhân công và vật liệu nấu chảy. Theo tính toán thì thời gian nấu chảy giảm từ 45 phút đến 60 phút/mẻ xuống còn 30phút/mẻ.


Qua trình diễn mô hình cho thấy, việc sử dụng lò điện thay thế lò chõ sẽ góp phần giảm tổn thất năng lượng là 554.685 kcal/tấn gang lỏng, tương đương 644,7 kwh/1 tấn gang lỏng. Đồng thời gang sẽ không bị tổn thất nhiều trong quá trình tháo xỉ, tương đương với giảm tỷ lệ hồi liệu khoảng 20% và giảm nguyên liệu đầu vào từ 1.250kg gang, thép phế/1 tấn sản phẩm xuống còn 1050 kg. Điều này cho thấy, công nghệ lò chõ đang làm lãng phí của công ty khoảng 200kg nguyên liệu/tấn sản phẩm.


Hàng năm, bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên đã triển khai hàng chục mô hình, đề án từ đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho lao động địa phương đến việc tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn thay đổi tư duy về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đây chính là nguồn cổ vũ, động viên cho cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp địa phương có thêm động lực vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.


Minh Quang