Năm 2014 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) tiếp tục phối hợp với các Trung tâm Khuyến công một số tỉnh khu vực phía Bắc lập đề án đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia để triển khai chương trình đào tạo nghề may công nghiệp, nhằm tạo việc làm và bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề cho các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất kinh doanh hàng may mặc trên địa bàn một số tỉnh khu vực phía Bắc.


Cụ thể từ tháng 4/2014, IPC1 đã và đang triển khai tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho 1.470 lao động nông thôn; chia làm 49 lớp, mỗi lớp 30 học viên, trên địa bàn một số tỉnh khu vực phía Bắc (Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam, ...).


Đề án đào tạo nghề may tại Công ty Bảo Linh thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được triển khai ngay từ tháng 04/2014, trong đó đào tạo 300 học viên ngành may, chủ yếu thuộc độ tuổi 18 đến 22 hoặc chỉ vừa mới tốt nghiệp cấp 3. Không chỉ được dạy về cắt may, sửa máy, dạy về khâu hoàn thiện, có nghĩa là dạy toàn diện về việc làm thợ may, mà nhiều học viên còn được dạy về lên kế hoạch, làm sổ sách cho công việc của mình.


Theo Công ty Bảo Linh công ty chuyên sản xuất sản phẩm may mặc phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu thì lao động là yếu tố then chốt quyết định đến mức độ thành công của Công ty. Thế nhưng khó khăn ở chỗ, các xã thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Đinh, nơi mà xưởng may của Công ty được xây dựng, nguồn lao động có sẵn tay nghề rất khan hiếm do đại bộ phận người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Việc tuyển dụng được một số lượng lớn, lên đến hàng trăm công nhân cho 2 xưởng may của công ty là điều rất khó khăn. Trước tình hình đó, Công ty đã chủ động đề xuất với Sở Công Thương Nam Định và IPC1 tổ chức những khóa đào tạo nghề, truyền nghề cho người dân trên địa bàn.


“Thực tế là Công ty muốn tuyển lao động vào làm việc, tuy nhiên người lao động lại chưa biết gì về may, cho nên Công ty chúng tôi phải mở nhiều lớp đào tạo, đặc biệt có Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1(IPCI) về giúp đỡ mở lớp dạy may công nghiệp thì chúng tôi rất mừng và phấn khởi. Ở lớp học này, các chị em học rất nhanh, từ chưa biết nghề, đến bây giờ mới hơn có chục ngày kể từ khi khai giảng, đã máy được những hàng đơn giản và một số người đã biết may rồi thì lại được các giáo viên dạy nâng cao tay nghề lên” Ông Phạm Văn Thương, Phó Giám đốc Công ty CP Bảo Linh cho biết.


Chỉ sau một tháng đào tạo, chị Lê Thị Thủy, công nhân may tại Công ty CP Bảo Linh đã có thể tự mình may được miệng túi cho những chiếc áo. Chưa biết gì về nghề may, nhưng dưới sự chỉ dẫn tận tình của các giáo viên và cán bộ IPC1, chị đã nhanh chóng học được cách may những chi tiết với các đường kim mũi chỉ khéo léo và chính xác. Khóa đào tạo của chị kéo dài trong vòng 3 tháng. Ngoài được hỗ trợ học nghề miễn phí và được nhận vào làm việc sau khi kết thúc khóa học, trong quá trình đào tạo, mỗi ngày chị cũng nhận được thêm 30 nghìn đồng tiền hỗ trợ và khoảng 70 đến 80 nghìn đồng tiền công trên mỗi sản phẩm làm ra.


Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, giáo viên thuộc đề án đào tạo nghề may cho biết: “Phần lý thuyết thì chỉ có khoảng thời gian rất ngắn để trang bị cho các em một phần lý thuyết về vật liệu, kỹ thuật may, về an toàn sản xuất, về các thao tác may, nói chung là về công nghệ. Sau đó thì chúng tôi đưa các em vào xưởng thực tế luôn và thực hành ngay trên những cái máy và chúng tôi bố trí ở dây chuyền phía cuối để các em thực tập. Đầu tiên là phải hướng dẫn thực hành cho các em về thao tác cơ bản, ví dụ như các đường may, các bộ phận may cơ bản. Sau đó đến đặc thù của sản xuất và đưa các em vào dây chuyền”.


Theo Ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, tỉnh Nam Định, thì đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia bao gồm đào tạo nghề, đào tạo lại và đào tạo nâng cao tay nghề cho các doanh nghiệp. Nhìn chung, hiện nay các doanh nghiệp có đội ngũ công nhân có tay nghề đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt, với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu cũng đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu.


Cùng với sự mở rộng của thị trường, Công ty Bảo Linh cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhà máy thứ 3 để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của thị trường. Việc mở thêm nhà máy tất yếu đòi hỏi phải bổ sung thêm đội ngũ công nhân, dự kiến khoảng 300 người nữa. Do đó, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được IPC 1 hỗ trợ, đồng hành, không chỉ giúp cho Công ty ngày càng lớn mạnh mà còn tạo điều kiện việc làm cho bà con, cho anh em công nhân có thu nhập ngày càng cao.


Không chỉ hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp trong việc đào tạo tay nghề cho các lao động trực tiếp, mà xuất phát từ những nhìn nhận thực tiễn, cũng như từ chính đề xuất của bản thân các doanh nghiệp, IPC1 đã mở những lớp đào tạo về quản lý cho các cán bộ lãnh đạo của các doanh nghiệp. Bởi nghề may công nghiệp gắn liền với quản lý rất nhiều lao động và từ quy mô cơ sở sản xuất nhỏ, có thể phát triển lên quy mô sản xuất lớn hơn thì cần rất nhiều yếu tố và nhất là năng lực quản lý. IPC1 đã mời nhiều chuyên gia về nghề may và giám đốc điều hành các doanh nghiệp khác đến tham quan và đặc biệt là đi thị sát để đưa ra những góp ý và điều chỉnh giúp đội ngũ cán bộ từ giám đốc đến quản đốc doanh nghiệp trong công tác quản lý, đem lại hiệu quả cao hơn cho Công ty.


Cũng theo Ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở Công Thương, tỉnh Nam Định: “Hàng năm, thông qua các hình thức hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp ở nông thôn 4-5 tỷ đồng, KC quốc gia cũng hỗ trợ cho các DN từ 4-5 tỷ/năm. Cùng với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm bằng nguồn kinh phí khuyến công, đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 150 - 300 cán bộ, đội ngũ chủ doanh nghiệp cũng như cán bộ quản lý trong doanh nghiệp. Nguồn kinh phí hỗ trợ tuy không lớn song lại có tác dụng động viên, khích lệ rất lớn, thể hiện được sự đồng hành của nhà nước với các doanh nghiệp địa phương”.


Trước đó, trong năm 2013, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp I đã đào tạo được trên 2.500 lao động và trên 1.300 học viên khởi sự doanh nghiệp. Đây thực sự là nguồn lao động tay nghề cao góp phần rất lớn giúp cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển ổn định. Bên cạnh những hỗ trợ về đào tạo, IPC1 và Sở Công Thương còn phối hợp tổ chức các hoạt động trình diễn mô hình kỹ thuật, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các hoạt động này cùng với công tác hỗ trợ đào tạo lao động kể trên, có thể thấy, hoạt động của doanh nghiệp luôn có sự đồng hành, sát cánh của công tác khuyến công, ngay từ những khâu bắt đầu và trong suốt cả quá trình.


ARID