Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trực tiếp đầu tư sản xuất, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống bao gồm: cá nhân, hộ sản xuất, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hiệp hội, hội nghề nghiệp.Theo quyết định này, ngành nghề thuộc làng nghề bao gồm: Chế biến bảo quản nông-lâm-thủy sản; Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, đồ đất nung, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ; Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; Xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn; Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; Tư vấn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nghề nông thôn.
Theo đó, việc công nhận nghề truyền thống phải đạt 03 tiêu chí: Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hoá dân tộc; Nghề gắn với tên tuổi một hoặc nhiều nghệ nhân; hoặc tên tuổi một làng nghề. Đối với tiêu chí công nhận làng nghề phải đạt 03 tiêu chí sau: Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn; Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Về tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống là làng nghề truyền thống phải đạt tiêu chí làng nghề và có ít nhất một nghề truyền thống. Trường hợp chưa đạt tiêu chuẩn theo qui định, nhưng có ít nhất một nghề truyền thống được công nhận thì cũng được công nhận là làng nghề truyền thống.
Các điều kiện khác xét công nhận làng nghề là sản phẩm của làng nghề không thuộc ngành nghề bị cấm, theo qui định của pháp luật; Hoạt động sản xuất kinh doanh trong làng nghề phải chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và phù hợp với mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương trong phạm vi theo qui định và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường trong khu vực và khu vực lân cận. Đối với các ngành nghề đã tồn tại lâu đời và có hướng củng cố phát triển, nhưng có ảnh hưởng đến môi trường tại nơi sản xuất và các vùng lân cận, nếu các thành viên trong ngành nghề cam kết với chính quyền địa phương có giải pháp cải thiện tốt môi trường, thì cũng có thể xét công nhận làng nghề đó.
Xuất phát từ tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống này, mỗi làng nghề phải có một tổ chức hoặc cá nhân đại diện cho làng nghề do các thành viên tham gia sản xuất đề cử, được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận. Điều này có nghĩa là, cá nhân, tổ chức đại diện cho làng nghề phải tích cực lao động, có uy tín, có sản xuất sản phẩm, có khả năng tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân trong khu vực, địa phương tham gia xây dựng và phát triển làng nghề. Cá nhân, tổ chức đại diện cho làng nghề có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khi bị xâm phạm; thực hiện việc quan hệ hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; tiếp nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cá nhân, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước (nếu có) đối với hoạt động của làng nghề, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Cũng theo quyết định của UBND tỉnh, khi được công nhận là nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, sẽ có các quyền lợi: Được hưởng những chính sách về ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất của hoạt động khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mặt bằng sản xuất, đào tạo nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn theo chính sách quy định hiện hành của nhà nước; hoặc được thành lập hội làng nghề và các tổ chức đại diện bảo vệ và hỗ trợ phát triển theo qui định của pháp luật./.
Chi tiết Quyết định số 2247/QĐ-UBND xem tại đây
NGUYỄN THÀNH LONG
(TTKC&TVPTCN KIÊN GIANG)