Từ chính sách này, qua 5 năm thực hiện (tính đến cuối năm 2009) đã có nhiều cơ sở và doanh nghiệp (gọi tắt là DN) cơ khí trong tỉnh tham gia đầu tư với tổng số vốn 95,5 tỷ đồng, trong đó có 37,3 tỷ đồng vốn vay ngân hàng được hỗ trợ 100% lãi suất trong thời hạn 36 tháng (3 năm). Với số vốn đầu tư tự có và vốn vay ngân hàng được hỗ trợ lãi suất, các DN trong tỉnh đã phục vụ có hiệu quả cho các ngành:
Ngành nông nghiệp với các sản phẩm: Hoàn chỉnh các hệ thống vít tải trong máy tuốt lúa giúp cho máy tuốt ngày càng cơ động hơn; Sản xuất các loại giàn tran, cắt gốc rạ, các loại bánh lồng; Sản xuất máy gặt đập liên hợp; Sản xuất quạt, các phụ kiện lò đốt của của máy sấy lúa; Sản xuất máy phun thuốc trừ sâu.
Ngành thủy sản với các sản phẩm: Sản xuất phụ tùng, hợp số máy Cumins; Sản xuất bơm nước, bơm cát; Mài cốt máy, cốt cam các loại máy; Cân, phục hồi bơm bét dầu các loại máy; Tôi cao tần các chi tiết máy; Đại tu các loại máy có công suất đến 1200 CV; Đúc được các chân vịt bằng nhôm, thau đường kính lên đến 2,8 m; Lắp ráp nhà xưởng chế biến thuỷ sản có khẩu độ đến 30m, chiều cao đến 12m; Lắp ráp cẩu trục có khẩu độ đến 10m, tải trọng đến 4 tấn; Chế tạo các máy sấy cá làm khô.
Ngành giao thông với các sản phẩm: Đóng mới, sửa chữa tàu sắt có trọng tải lên đến 1000 tấn; Đóng mới các thùng bảo ôn bằng inox cho các phương tiện vận chuyển; Sửa chữa, đóng mới các thùng xe; làm đồng các loại xe…
Ngành xây dựng với các sản phẩm: Đúc bi nghiền, tấm lót phục vụ cho sản xuất xi măng và khai thác đá.
Thực tế cho thấy, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh Kiên Giang rất có hiệu quả, đã kích thích và thu hút vốn đầu tư từ các DN. Từ mô hình này, các DN đã mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm các thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu sản phẩm ngày càng cao, mẫu mã đẹp cho khách hàng, đáp ứng toàn bộ các yêu cầu sửa chữa và phụ tùng thay thế phục vụ cho các ngành sản xuất trong tỉnh, hạn chế tối đa việc nhập khẩu các thiết bị hay đặt mua từ các tỉnh khác về Kiên Giang.
Đến nay, đã có nhiều sản phẩm cơ khí thay thế đạt chất lượng tương đương, hoặc cao hơn các sản phẩm đã qua sử dụng mua lại từ tỉnh khác. Điển hình có Cty TNHH Trương Dương, trụ sở ở thành phố Rạch Giá có chi nhánh ở xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành đã sản xuất Bánh đà máy Cumins (bánh trớn) giảm tiêu hao nhiên liệu dầu cho tàu thuyền đánh bắt thủy sản được thị trường tín nhiệm; Cty TNHH Cơ Khí Kiên Giang đã xây dựng Trung Tâm bảo dưỡng xe ô tô, đáp ứng được một phần nhu cầu trong tỉnh; Cty TNHH Ngân Hà - Rạch Giá đã thực hiện công đoạn đúc, gia công các sản phẩm phục vụ cho ngành xăng dầu, ngành nông nghiệp; Công ty TNHH Hoàng Minh - Rạch Giá đã đầu tư dây chuyền đúc các loại chân vịt bằng nhôm, thau đường kính đến 2,8 mét phục vụ cho các tàu khai thác thủy sản xa bờ; Cơ sở cơ khí Đức Ngươn, huyện Tân Hiệp sản xuất máy gặt đập liên hợp phục vụ nông dân, góp phần cơ giới hóa trong khâu thu hoạch cho bà con nông dân...
Tóm lại, mô hình khuyến khích đầu tư ngành cơ khí của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các cơ sở, doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú và có chất lượng phục vụ thị trường trong, ngoài tỉnh; tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, tăng thu nhập ổn định cuộc sống bằng những máy móc, thiết bị được đầu tư mới.
Nguyễn Thành Long-PGĐ.TTKC&TVPTCN Kiên Giang