Với tổng kinh phí được hỗ trợ là 11.524 triệu đồng, giai đoạn 2005-2009, hoạt động Khuyến công địa phương ở Kiên Giang đã đào tạo 2 nghệ nhân, giảng viên; đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho trên 1900 lao động mới; đào tạo lấy thu bù chi cho trên 900 lao động; Hỗ trợ đào tạo 5 giảng viên, đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 510 người; tổ chức 11 đoàn tham quan học tập; Hỗ trợ 9 cơ sở lập thủ tục thành lập doanh nghiệp; Hỗ trợ xây dựng 9 mô hình trình diễn, 3 cơ sở chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng cho 100 cơ sở tham gia hội chợ, triển lãm và tổ chức 1 hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hỗ trợ tư vấn lập 19 dự án đầu tư; thành lập 1 điểm tư vấn khuyến công, 6 mạng lưới cộng tác viên tư vấn khuyến công. Ngoài ra còn hỗ trợ nhiều hình thức thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công. Đặc biệt, đã tiến hành xây dựng Chương trình khuyến công địa phương đến năm 2015, Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế khuyến công, Đề án nâng cao năng lực quản lý Trung Tâm khuyến công đến năm 2015. Tổ chức hội thảo về Phương pháp xây dựng và tổ chức thực hiện “Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp tiêu biểu” của các Trung tâm khuyến công và Trung tâm khuyến công & TVPTCN các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long họp tại Kiên Giang. Hỗ trợ lãi suất đầu tư cơ khí cho 34 cơ sở và hỗ trợ lãi suất vốn vay cho 199 cơ sở máy sấy lúa, tổng số kinh phí là 7.883,5 triệu đồng.
Nhìn chung, những năm qua có nhiều ngành công nghiệp được hỗ trợ phát triển, đặc biệt là ngành cơ khí sửa chữa, đúc, đóng tàu; ngành tiểu thủ công nghiệp như đan đát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, từ đó, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao tay nghề, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống góp phần ổn định kinh tế - xã hội cho địa phương. Tạo được mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và doanh nghiệp, thông tin 2 chiều kịp thời, tạo nhiều việc làm cho lao động nông nhàn, có thu nhập ổn định, nâng cao mức sống ở nông thôn. Góp phần khôi phục những nghề thủ công truyền thống như nghề dệt chiếu, làm bánh tráng, đan tre trúc…, thúc đẩy phát triển những ngành nghề tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu như nghề đan lục bình, nghề sản xuất sản phẩm từ gỗ, nghề đất nung, tranh vỏ tràm… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là lực lượng cán bộ làm công tác khuyến công còn ít, hoạt động quản lý là chủ yếu, chưa có cán bộ có chuyên môn đủ điều kiện để hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp, chưa có cán bộ khuyến công ở huyện, xã, kinh phí cho hoạt động khuyến công còn quá ít, không thể thực hiện được hết các nội dung khuyến công. Một số nội dung hoạt động khuyến công hiện nay không còn phù hợp với điều kiện thực tế của nhiều địa phương (việc hạn chế đối tượng cũng như phạm vi áp dụng), cần có sự sửa đổi bổ sung. Nhiều doanh nghiệp không mặn mà với các hình thức hỗ trợ do thủ tục rườm rà, kinh phí hỗ trợ ít, manh mún, khó tiếp cận.
Với mục tiêu giá trị sản xuất CNNT đến năm 2010 đạt 8.100 tỷ đồng, chiếm 60% trong giá trị sản xuất công nghiệp chung. Đến năm 2015 đạt 14.000 tỷ đồng, chiếm 46 %, giải quyết việc làm cho khoảng 64.830 lao động lao động vào năm 2010 và 102.240 lao động vào năm 2015, những năm tới Kiên Giang phát triển CNNT phù hợp với qui hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Phát huy thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, nông - thuỷ sản để phát triển một số ngành nghề mũi nhọn. Liên kết chặt chẽ giữa các ngành nghề truyền thống và các dịch vụ hỗ trợ, tạo nên thế mạnh, vẻ độc đáo riêng của từng sản phẩm CNNT. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người lao động.
Nguyễn Kiên