Theo báo cáo, HĐND và UBND tỉnh giao cho Sở Công Thương các chỉ tiêu kế hoạch thực hiện năm 2010 với các chỉ tiêu quan trọng là: giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN đạt 13.432 tỷ đồng (giá cố định 1994); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 27.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 530 triệu USD; Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 95%.
Với nhiệm vụ này, ngành Công thương tỉnh Kiên Giang đã ra sức phấn đấu để thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa thoát ra khỏi cuộc khủng khoảng tài chính và đang hồi phục nhưng còn chậm, có nhiều bất ổn ở một số quốc gia, khu vực. Từ thực tế này, kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng phải liên tục đối đầu với giá cả nguyên, nhiên vật liệu và nhiều hàng hóa trên thị trường thế giới tăng, đã tác động trực tiếp đến thị trường trong nước.
Về sản xuất CN-TTCN, trong năm 2010 thực đạt 13.439,79 tỷ đồng, bằng 100,06% kế hoạch và tăng 10,90% so cùng kỳ. Các sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ như: Gạch nung tăng 19,18%; sản xuất vôi tăng 15,03%; tôm đông tăng 69,96%; cá đông tăng 30,51%; bột cá tăng 2,4 lần... Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Xi măng địa phương giảm 7,34%; clinker giảm 9,62%; sản xuất bao PP giảm 2,41%; cá cơm sấy giảm 36,71% ...
Về nội thương, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ra các văn bản chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Công Thương, đồng thời có kế hoạch, văn bản chỉ đạo trong ngành thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm. Tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường tết. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện được 07 chuyến bán hàng ở nông thôn nhằm tuyên truyền thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Tuy đã thực hiện nhiều biện pháp kiềm chế nhưng chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng 12,83% so với năm trước, trong đó: nhóm lương thực tăng 19,88%, thực phẩm tăng 15,14%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 13,29%; các nhóm khác có mức tăng từ 3,53% – 16,52%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 28.300 tỷ đồng, bằng 104,81% kế hoạch, tăng 25,24% so cùng kỳ, trong đó: khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.397 tỷ đồng, bằng 105,83% kế hoạch, tăng 12,39%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 26.903 tỷ đồng, bằng 104,76% kế hoạch, tăng 25,99%.
Trong công tác xuất, nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 456,81 triệu USD, bằng 87,85% kế hoạch, giảm 7,10% so cùng kỳ, trong đó: Trị giá hàng nông sản đạt 321,81 triệu USD, bằng 88,05% kế hoạch, giảm 14,61% (sản lượng gạo đạt 819.266 tấn); trị giá hàng hải sản đạt 115 triệu USD, bằng 85,50% kế hoạch, tăng 21,34%; trị giá hàng khác đạt 20 triệu USD, bằng 100% kế hoạch, giảm 0,27%. Kim ngạch nhập khẩu ước 48 triệu USD, bằng 160% kế hoạch, tăng 2,3 lần so cùng kỳ, chủ yếu là clinker, thạch cao, giấy krapt, hạt nhựa, xà lan, tàu kéo…
Về hộ sử dụng điện, tỷ lệ hộ dân trong tỉnh sử dụng điện đạt 95%, trong đó số hộ sử dụng điện an toàn từ điện lưới quốc gia và các trạm phát do ngành điện quản lý đạt 92%.
Về quản lý thị trường, đã kiểm tra 3.854 vụ việc, bằng 128,47% so kế hoạch, trong đó phát hiện 725 vụ vi phạm quy định nhà nước gồm: 355 vụ buôn bán vận chuyển hàng lậu, 28 vụ kinh doanh trốn thuế và 328 vụ kinh doanh trái phép. Đã xử lý các vụ vi phạm, kết quả thu phạt hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước 4,97 tỷ đồng, đạt 142,11% kế hoạch cả năm.
Đối với công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp: Đã phối hợp một số doanh nghiệp trong tỉnh, trường Đại học công nghiệp TPHCM, tổ chức 27 lớp dạy nghề, tập huấn cho 845 học viên. Tổ chức hội thảo trình diễn máy vót nan, máy đánh bóng nan, máy đánh tơi rơm tại các tổ hợp tác, hợp tác xã ở các huyện, thành phố. Triển khai đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ đầu tư công nghệ sản xuất phân vi sinh cho Cty Mosan AAA ở huyện Hòn Đất. Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho 03 doanh nghiệp tham gia bình chọn hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam lần thứ II tại TP.Vũng Tàu. Trong công tác dịch vụ tư vấn, đã lập 14 dự án về đầu tư cơ khí, đầu tư nhà máy xay xát gạo...cho doanh nghiệp có nhu cầu; giám sát cung cấp thiết bị cho 02 Trung Tâm dạy nghề: Tứ giác Long Xuyên, Tân Hiệp và Trường Trung cấp nghề Kiên Giang và thực hiện các dịch vụ tư vấn khác v.v... đạt 110% doanh thu theo kế hoạch...
Từ những kết quả đạt được trong năm 2010, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã đề ra kế hoạch 2011 là: Giá trị sản xuất CN-TTCN (theo giá CĐ 1994): 14.836,84 tỷ đồng, tăng 10,39%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 33.600 tỷ đồng, tăng 18,73%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 530 triệu USD, tăng 16,02% (trong đó: nông sản 370 triệu USD, thủy sản 135 triệu USD và hàng khác 45 triệu USD); Kim ngạch nhập khẩu là 45 triệu USD, giảm 6,25% so năm 2010. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 95,6% .
Để đạt chỉ tiêu này, Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của ngành Công thương đến người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Trong đó phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang phát sóng Chuyên mục Công thương định kỳ. Lồng ghép công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật… Đưa các văn bản pháp luật Công thương lên trang tin điện tử của Sở; Hoàn thành các quy hoạch: Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp; Quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ; Quy hoạch phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; Quy hoạch hệ thống kinh doanh gas đốt; Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp, Kế hoạch phát triển lưới điện, Kế hoạch phát triển ngành Cơ khí trên địa bàn 5 năm (2011 – 2015); Chương trình phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu hàng nông, thủy sản tỉnh Kiên Giang 2011 – 2015. Đồng thời, triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển ngành đã được cấp trên phê duyệt; Tham mưu, đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành có liên quan các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt đối với những sản phẩm còn đạt thấp trong năm 2010. Quan tâm đầu tư nâng cao năng lực các ngành công nghiệp có lợi thế nhất là công nghiệp chế biến nông, thủy sản và sản xuất vật liệu xây dựng; đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí, đóng sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các công trình điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Trung tâm điện lực Kiên Lương; đường cáp ngầm Hà Tiên – Phú Quốc và các chương trình phát triển lưới điện từ nguồn vốn Chính phủ, vốn ODA và ngành điện. Xây dựng Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2011 – 2015; Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển lưới điện theo kế hoạch được duyệt với số vốn được cấp là 30,8 tỷ đồng; Triển khai thực hiện kế hoạch xuất khẩu của tỉnh, phấn đấu năm 2011 đạt kim ngạch 530 triệu USD. Triển khai thực hiện Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Phối hợp với các ngành thu thập số liệu về dịch vụ thu ngoại tệ trên địa bàn; Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường. đặc biệt chú trọng kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về giá; chống buôn lậu và gian lận thương mại theo chỉ đạo của Chính phủ; Thực hiện tốt chương trình, kế hoạch khuyến công quốc gia và địa phương. Phối hợp với các ngành thực hiện các giải pháp phát triển làng nghề truyền thống, sản phẩm truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ… nhằm thúc đẩy sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất và việc làm cho người lao động; Theo dõi tình hình diễn biến cung - cầu và giá cả một số mặt hàng trọng yếu trên thị trường. Phát triển các loại hình kinh doanh thương mại; đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, hệ thống chợ huyện, xã, các cửa hàng đại lý bán lẻ. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhân rộng mô hình đưa hàng Việt về nông thôn…
NGUYỄN THÀNH LONG
TTKC&TVPTCN KIÊN GIANG