Ngày 14/10/2011 tại Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh, Giám đốc Sở Công Thương hai tỉnh Long An và Tây Ninh đã trao đổi, thống nhất thỏa thuận các nội dung liên kết, hợp tác phát triển công nghiệp, thương mại giai đoạn 2011 – 2015.
Các mục tiêu bao gồm: Phát huy lợi thế của mỗi địa phương thông qua việc hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động công nghiệp và thương mại, khai thác tốt thế mạnh tiềm năng sẵn có góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương; Hợp tác mời gọi xúc tiến đầu tư; Hợp tác trong lĩnh vực trao đổi thông tin, kinh nghiệm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực giữa hai sở.
Nội dung hợp tác cụ thể bao gồm:
1. Xây dựng, triển khai, quản lý các quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại của hai tỉnh.
2. Xây dựng các chính sách thu hút đầu tư về phát triển công nghiệp - thương mại và dịch vụ, công tác khuyến công; giới thiệu, mời gọi đầu tư các dự án thuộc ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn, các dự án trọng điểm của hai địa phương.
3. Phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại: xây dựng phát triển các cụm công nghiệp; hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ; hệ thống bảo quản nhằm nâng cao chất lượng nông sản, hàng hóa trong chuỗi liên kết.
4. Liên kết phát triển các ngành công nghiệp, nhất là những ngành công nghiệp mà hai địa phương đang có lợi thế: công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ.
5. Phát triển các nguồn năng lượng; quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
6. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ hướng đến công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; thực hiện kế hoach hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thực thi chủ trương phát triển bền vững.
7. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hai tỉnh liên kết, phát triển và mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, phát triển sản phẩm mới xuất khẩu; phát triển kênh phân phối bán buôn, bán lẻ phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trong nước; hợp tác ứng dụng thương mại điện tử, phát triển thương mại biên giới.
8. Hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, nhất là buôn lậu qua tuyến biên giới tại khu vực Cầu Sắt tiếp giáp giữa hai tỉnh. Duy trì họp cụm và thường xuyên thông tin cho nhau để phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm khác nhằm ổn định thị trường, góp phần thực hiện bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và các nhà sản xuất trong nước.
9. Liên kết trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, nâng cao trình độ quản lý nhà nước.
Sau khi thỏa thuận được ký kết, hai sở có trách nhiệm báo cáo và đề xuất UBND tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình liên kết, hợp tác; căn cứ vào nội dung hợp tác chung, lãnh đạo Sở Công Thương hai tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện chương liên kết, hợp tác phát triển cụ thể từng năm; bộ phận điều phối chương trình của hai bên (Phòng Kế hoạch - Tài chính) có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai thực hiện định kỳ 6 tháng/lần; hàng năm hai sở sẽ tổ chức họp một lần đề rút kinh nghiệm và cùng nhau bàn bạc đề ra các giải pháp để tiếp tục liên kết, hợp tác có hiệu quả hơn trong công tác quản lý.
Sở Công Thương Long An