Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch ngành Công Thương Lâm Đồng, giai đoạn 2011 – 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đều tăng trưởng theo hàng năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân (theo giá SS 2010) của giai đoạn là 12,97%, trong đó, công nghiệp chế biến là 12,95%, chiếm tỷ trọng 75% cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh.


Đạt được kết quả này là sự định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản của tỉnh đã đi đúng hướng, phát huy được tối đa lợi thế của vùng nguyên liệu. Đồng thời có tác động hỗ trợ tích cực tới  sự phát triển ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Mặt khác, việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng cũng đã tạo được sự gắn kết, động lực cho phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển dịch vụ thương mại, tăng lưu thông hàng hóa trong khu vực nội và ngoại tỉnh, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và giảm xuất hàng hóa nông, lâm, khoáng sản thô.


Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp chế biến của Lâm Đồng cũng có khá nhiều hạn chế. Công nghệ chế biến nông sản của các doanh nghiệp chưa qua chế biến sâu chiếm tỷ lệ còn cao nên hầu hết hàng hóa xuất khẩu còn nhiều sản phẩm thô; công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu nên chất lượng hàng hóa còn chưa bảo đảm, chi phí lớn, giá thành cao, kém khả năng cạnh tranh so với hàng hóa cùng loại của các tỉnh khác trong khu vực.


Tỉnh Lâm Đồng đã hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp, rau, hoa nhưng sản xuất còn manh mún, không tập trung, chất lượng nông sản chưa đồng đều gây khó khăn trong quá trình thu mua, chế biến đảm bảo chất lượng dẫn tới nhiều doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu, không hoạt động hết công suất. Nhiều mặt hàng chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu; chưa gắn bó giữa sản xuất với chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ để phát huy khả năng của các ngành hàng….


Nhận rõ những ưu điểm cũng như những khó khăn phải đối mặt, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo hướng hiện đại, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, khuyến khích phát triển CNNT gắn với vùng nguyên liệu. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ, có khả năng xuất khẩu và giải quyết được nhiều việc làm, tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản và khoáng sản đã qua chế biến, hạn chế xuất khẩu thô.


Khuyến khích phát triển các ngành nghề: Chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nghề sửa chữa điện, điện tử gia dụng; cơ khí; sản xuất dụng cụ cầm tay; mộc gia dụng; đồ gỗ cao cấp; nghề may, thêu, đan; đồ trang trí kiến trúc. Khôi phục và phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như: Cưa. Lọng, chạm bút lửa, các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số như: Dệt thổ cẩm, đan lát, … khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch.


M.H (ARID)