Làng nghề Mộc Hàm Thắng được thành lập theo Quyết định số 09/2003/QĐ – CT.UBND ngày 28 tháng 2 năm 2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay được trên 7 năm.


Hiện nay, làng nghề Mộc Hàm Thắng đang gặp phải rất nhiều khó khăn và đang đứng bên bờ vực thẳm. Khó khăn lớn nhất là thiếu vốn, thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất, nhiều xã viên không có việc làm nuôi sống bản thân và gia đình.


Tính đến tháng 7 năm 2010, làng nghề Mộc Hàm Thắng có 61 xã viên với 250 lao động. Nguồn vốn của làng nghề phục vụ cho việc mua, bán các loại gỗ làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, hiện nay chỉ có khoảng 80 triệu đồng từ vốn đóng góp cổ phần của xã viên nên không đáp ứng được việc cung cấp các loại gỗ nguyên liệu cho xã viên. Điều đáng nói là để có sản phẩm chất lượng cao đòi hỏi phải có nguồn nguyên liệu từ các nhóm gỗ quý và để có các nhóm gỗ quý thì phải có nguồn kinh phí mới mua được? Thực trạng hiện nay làng nghề Mộc Hàm Thắng có 61 xã viên, nếu tính bình quân 1 tháng sản xuất 2 m3 gỗ cho 1 hộ, thì trong 1 tháng phải cung ứng cho 61 hộ xã viên là 122 m3 gỗ các loại và nếu tính trong 6 tháng đầu năm 2010 phải cung ứng được 732 m3 gỗ. Nếu tính bình quân 1 m3 gỗ có giá 6 triệu đồng thì phải có khoảng 4 tỷ 400 triệu đồng mới mua được. Thế nhưng hiện nay, vốn của làng nghề 80 triệu đồng thì không thể đáp ứng được?


Chính vì vậy, hiện nay hầu hết xã viên phải “tự thân vận động” tự đi các địa phương trong và ngoài tỉnh để tìm mua các loại gỗ về sản xuất kiếm kế sinh nhai. Nhiều xã viên đang thiếu việc làm vì không có nguyên liệu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất đời sống hàng ngày của gia đình. Trong 6 tháng đầu năm 2010, làng nghề Mộc Hàm Thắng không mua được 1 mét khối gỗ nào từ nguồn gỗ của nhà nước trên địa bàn tỉnh. Anh Trần Văn Tám (ảnh) đứng trước đống gỗ vụn, Anh buồn bã nói: “Là xã viên của một làng nghề truyền thống nhưng chúng tôi rất buồn vì từ khi thành lập đến nay làng nghề mộc không có tổ chức tín dụng nào trong tỉnh cho vay vốn, không có trụ sở làm việc cho Ban quản lý. Nhiều năm phải đi thuê chỗ làm việc, những năm gần đây cũng không mua được nguồn gỗ của huyện, tỉnh. Chúng tôi đang bị thất nghiệp vì không có nguyên liệu để sản xuất…”.


Anh Lê Văn Thư xã viên làng nghề Mộc ngồi trò chuyện với chúng tôi, Anh bức xúc: “ Làng nghề không có gỗ cho chúng tôi sản xuất nhiều năm liền. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra thì xã viên đói vì không có vốn, không có nguồn nguyên liệu dẫn đến sản xuất gặp nhiều khó khăn, để cho xã viên “tự thân vận động” đi tìm nguồn nguyên liệu để mua thì vô tình lại tiếp tay cho bọn phá rừng. Tình trạng này cứ diễn ra tất yếu sẽ không có việc làm và không có nguồn thu nhập hàng tháng để nuôi sống vợ con trong gia đình…”. Thực trạng hiện nay, làng nghề Mộc Hàm Thắng đang đứng bên bờ vực thẳm và đang kêu cứu với các ban ngành của huyện và tỉnh cứu giúp. Ban quản lý làng nghề hầu hết đã xin nghỉ, chỉ còn Chủ nhiệm nhưng ông cũng không tìm được lối thoát?
Để làng nghề Mộc Hàm Thắng tồn tại và phát triển đi lên, chính quyền các cấp huyện, tỉnh cần quan tâm tìm các giải pháp khắc phục. Trước hết, cần chỉ đạo cho các đơn vị Ngân hàng tỉnh và huyện, Liên minh HTX tỉnh bằng mọi cách hỗ trợ cho làng nghề Mộc được vay vốn để có tiền mua nguyên liệu. Cần ưu tiên cho làng nghề Mộc được mua nguồn gỗ các loại của huyện, tỉnh với giá cả hợp lý, thấp hơn giá thị trường.


Ông Ngô Văn Đài Chủ nhiệm làng nghề Mộc Hàm Thắng khẳng định:“ Nếu có vốn, có nguồn nguyên liệu làng nghề Mộc mua sắm máy móc và đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tận dụng được các phế phẩm lâm sản từ rừng trồng trên địa bàn tỉnh cũng như các loại gỗ tạp có giá trị thấp. Đưa công nghệ sản xuất tiên tiến để tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã đẹp được thị trường chấp nhận...”.
 


Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thể
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Huyện Hàm Thuận Bắc, Tỉnh Bình Thuận.