Là nơi sinh ra của ông tổ nghề thêu, nhưng những người thợ thêu ren ở Quất Động, Thường Tín, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển làng nghề truền thống.

 

Xã Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Nội) có 2.283 hộ, trong đó có 1.141 hộ tham gia làm nghề thêu ren. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thêu chủ yếu tập trung ở 3 thôn: Quất Động, Quất Tỉnh và Lưu Xá.


Sản phẩm thêu ren Quất Động khá đa dạng, từ các sản phẩm thêu ren thờ cúng, lễ hội (câu đối, lọng, cờ biển, các loại trướng) đến các mặt hàng dùng trong cuộc sống hàng ngày như: áo dài, áo phông, túi xách, tranh phong cảnh, tranh Đông Hồ,… Nghề thêu ren đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở đây. Hiện, mỗi thợ thêu có mức thu nhập từ 50 -70 nghìn đồng/ngày. Với những thợ khá có thể có mức thu nhập 100 nghìn đồng/ngày.


Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhiều xưởng thêu với quy mô lớn tại Quất Động đã được mở ra. Hiện nay trên toàn xã có tới 20 doanh nghiệp, cơ sở thêu lớn nhỏ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người. Tuy nhiên, việc phát triển nghề thêu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Quất Động nổi tiếng bởi nghề thêu và có nhiều người thêu tranh giỏi, nhưng do không có vốn và không tìm được đầu ra nên thường chỉ nhận hàng đặt, còn tự mình thêu với mẫu mã riêng để bán thì không nhiều. Thị trường khó khăn, sức tiêu thụ các mặt hàng thêu ren giảm khiến người thợ bỏ nghề ngày càng nhiều. Theo thống kê của UBND xã Quất Động, hiện số lượng hộ gia đình có thể sống bằng nghề thêu ren chỉ dao động trong khoảng từ 140 - 170 hộ trên tổng số 2.283 hộ. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, một làng nghề thêu ren như Quất Động phát triển được không phải là chuyện dễ dàng.


Từ năm 2012, bằng nguồn kinh phí khuyến công Sở Công Thương Hà Nội hàng năm đã tổ chức các Hội chợ giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề trên địa bàn thành phố như Hanoi Gift Show; hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp làng nghề về phát triển mẫu mã sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nghề… qua đó, một số sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu khá tốt, như: sản phẩm mây tre đan, thêu ren, ...


Bên cạnh đó, vai trò của thương hiệu rất quan trọng đối với sự phát triển cũng như định vị vị trí của sản phẩm làng nghề trên thị trường hàng thủ công mỹ nghệ trong nước cũng như thế giới. Làng nghề thêu ren Quất Động hiện vẫn còn giữ được nhiều những nét tài hoa, nghệ thuật thêu tinh xảo của cha ông. Sản phẩm thêu ren của Quất Động có chất lượng, hình thức không thua kém các hàng thêu của các nơi khác nên cần được xây dựng và phát triển thương hiệu. Theo Ông Nguyễn Xuân Tiến – cán bộ xã Quất Động, để duy trì làng nghề, xã sẽ triển khai các biện pháp quảng bá sản phẩm làng nghề, có chính sách thích hợp nhằm giữ vững nghề truyền thống của xã đã tồn tại nhiều thế kỷ qua.


Ngọc Chính