Huyện Phú Xuyên là một huyện của Thủ đô, nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 40 km. Với 100% làng và cụm dân cư huyện Phú Xuyên đều có nghề, có 72 làng nghề được duy trì và phát triển.

Số hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp là 38.853 hộ, chiếm 35,8%. Giá trị sản xuất làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) năm 2014 ước đạt 2.699,5 tỷ đồng tăng 8,7% so với 2.485 tỷ đồng của năm 2013, chiếm tỷ trọng 63,7% tổng giá trị sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng là 926 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 53,9% giá trị gia tăng toàn huyện. Năm 2014 thu nhập bình quân của lao động làng nghề là 27 triệu đồng/người/năm tăng cao hơn năm 2013 là 25,3 triệu đồng. Sản xuất làng nghề CN-TTCN phát triển giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Môi trường làng nghề CN-TTCN thường xuyên được quan tâm, các xã, thị trấn đều có nơi tập kết, thu gom rác thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu như: Chuyên Mỹ là làng nghề khảm trai truyền thống; thêu ren ở Sơn Hà, Dân Chủ (Phúc Tiến), Nam Tiến; nghề làm giấy ở Hồng Minh; nghề may mặc ở Vân Từ; nghề đóng giày ở Phú Yên; nghề dệt lụa ở Quang Trung; nghề mây tre đan ở Phú Túc, Minh Tân; nghề mộc dân dụng ở Tân Dân...


9 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt 1.501,8 tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng 22,3% so với cùng kỳ. Ngành may mặc, túi xách phát triển khá, ổn định, giá trị sản xuất ước đạt 169,8 tỷ đồng, tăng 174,3%; công nghiệp chế biến thực phẩm đồ uống giá trị sản xuất đạt 388 tỷ đồng, tăng 27.3%; công nghiệp sản xuất sản phẩm phi kim loại đạt giá trị sản xuất 139,2 tỷ đồng, tăng 19,6 %; công nghiệp chế biến mây tre, gỗ giá trị sản xuất đạt 60,2 tỷ đồng, bằng 97% so cùng kỳ; chế biến hải sản phát triển mạnh. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm gần 1.000 lao động vào làm việc, nâng tổng số lao động lên 3.600 người. Ngành dệt vải tiếp tục khó khăn do thị trường tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm thời gian lao động, sản xuất cầm chừng để giữ lao động. Đồng thời, đã hỗ trợ gần 200 triệu đồng cho một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm, đào tạo nghề theo kế hoạch khuyến công.


Định hướng thời gian tới tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động thương mại-dịch vụ; quản lý tốt quy hoạch, trật tự xây dựng. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giữ vững nhịp độ sản xuất, tích cực khắc phục khó khăn, chủ động ứng phó với thiên tai, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, đảm bảo mức tăng giá trị sản xuất CN-TTCN cả năm 23% theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Đồng thời, tiếp tục xúc tiến, thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tuyển dụng lao động và đào tạo nghề tại chỗ để tạo đà phát triển mạnh trong năm 2015.


Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên đã chọn ngày 26/10 hàng năm là ngày vinh danh làng nghề truyền thống của huyện. Đến nay huyện đã khen thưởng cho 248 tập thể và 697 cá nhân là nghệ nhân, thợ thủ công, được thành phố công nhận 7 nghệ nhân, hỗ trợ đăng ký thương hiệu nhãn mác hàng hóa cho 3 tập thể và 30 hộ sản xuất làng nghề truyền thống. Phấn đấu năm 2015 giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 2.915,5 tỷ đồng tăng 8% so với năm 2014, thu nhập bình quân lao động từ ngành nghề khoảng 30 triệu đồng/người/năm, có trên 50 làng nghề đạt 2 tiêu chí (giá trị sản xuất trên 50% và số lao động tham gia tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 50%), thêm 2 làng nghề truyền thống được thành phố công nhận. Những con số nói trên cho thấy sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Xuyên đối với việc bảo tồn, duy trì và phát triển bền vững cho các làng nghề.


Thông qua việc xây dựng quy hoạch nông thôn mới, có 11 xã bố trí quỹ đất với diện tích 227,78 ha để quy hoạch 19 điểm công nghiệp làng nghề. Từ năm 2011 đến năm 2014 huyện đã nâng cấp, cải tạo các tuyến trục huyện vào các xã nghề bằng ngân sách của huyện và ngân sách của thành phố là 170 tỷ đồng, xây dựng nâng cấp đường giao thông thôn xóm với kinh phí là 98 tỷ đồng từ ngân sách xã và do nhân dân đóng góp. Huyện đã chú trọng mở được 348 lớp với 12.223 học viên tham gia đào tạo nghề, với tổng kinh phí là 21 tỷ đồng, tạo rất nhiều việc làm cho lao động nông thôn, đã xây dựng được Trang thông tin điện tử làng nghề truyền thống để quảng bá các hình ảnh và hoạt động phát triển làng nghề, xuất bản ấn phẩm làng nghề truyền thống Phú Xuyên, thành phố Hà Nội để giới thiệu về làng nghề tại Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện lần thứ II.


Bên cạnh các làng nghề CN-TTCN truyền thống hiện nay, cần phát triển thêm một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ mới, đặc sắc để thu hút ngày càng nhiều du khách. Vị trí đẹp và sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, đặc sắc với nguyên liệu đặc trưng của địa phương được thu lượm, thu gom rất phong phú, đa dạng cho phép sản xuất nhiều sản phẩm mà không phải nơi nào cũng có thể có được,… Do vậy, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Ngoài ra, đối với đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, cũng cần có sự quan tâm đặc biệt, có các chính sách hỗ trợ, khen thưởng và ưu đãi đối với các nghệ nhân, để động viên, kích thích người lao động phấn đấu cống hiến nhiều hơn cho làng nghề, nhằm đóng góp trong việc giữ gìn, bảo tồn, duy trì, phát triển, đào tạo và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.

 

Với bàn tay khéo léo và tài tình của các nghệ nhân có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, có khả năng sáng tác mẫu mã đẹp, sẽ tạo ra được các sản phẩm độc đáo, tinh xảo, đạt trình độ nghệ thuật cao, được tặng giải cao tại các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, nhiều nghệ nhân giỏi được Nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân bàn tay vàng. Cần tạo ra nhiều cơ hội để các nghệ nhân, thợ giỏi trong các làng nghề được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của bạn bè trong nghề, nâng cao trình độ cho bản thân, cho làng nghề. Từ đó, nghề và làng nghề huyện Phú Xuyên nói riêng, Hà Nội và cả nước nói chung phát triển bay cao, bay xa trên con đường hội nhập kinh tế và phát triển, sản phẩm của làng nghề có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, xứng đáng là các làng nghề tiêu biểu của nước ta.


Huy Quang-P.CNHT