Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển
Giai đoạn 2011-2015, sản xuất công nghiệp từng bước khai thác tốt lợi thế trong các lĩnh vực: Sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, khoáng sản, nhiệt điện, chế biến lâm sản,... Đã đưa vào sử dụng một số cơ sở sản xuất công nghiệp như: Xi măng Hồng Phong, các cơ sở chế biến chì thỏi, bột đá mài, ván bóc...; từ tháng 4/2013, sau khi được tái cơ cấu, Nhà máy xi măng Đồng Bành đã cơ bản ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; các cơ sở công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản được khuyến khích phát triển. Dự ước năm 2015, giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) ngành công nghiệp đạt 3.766 tỷ đồng, bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2015 tăng 6,54%.
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2015 như sau: Xi măng 640 nghìn tấn, bình quân hằng năm tăng 21,88%; than các loại 520 nghìn tấn, bình quân giảm 2,13%; điện sản xuất 680 triệu kWh, điện thương phẩm 540 triệu kWh, bình quân tăng 16,65%; đá các loại 2,2 triệu m3, bình quân giảm 3,43%, gạch các loại 150 triệu viên, bình quân giảm 7,46%; nước máy 7.500 nghìn m3, bình quân tăng 7,48%; chì thỏi 5.000 tấn, bình quân tăng 20,11%; các sản phẩm mới: Bột đá mài 8.000 tấn, klinker 570 nghìn tấn, ván bóc và sản phẩm từ gỗ rừng trồng 50 nghìn m3,...
Năm 2012 các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ..., do vậy giá trị sản xuất công nghiệp giảm so với năm 2011. Từ năm 2013 sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi, mặc dù một số sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ, bên cạnh các lĩnh vực có sự duy trì ổn định về sản xuất và tiêu thụ như: điện, nước, đã có sự phục hồi nhiều sản phẩm tăng khá như: xi măng, hạt đá mài, ván bóc và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng…Riêng sản phẩm xi măng sau khi nhà máy xi măng Đồng Bành được tái cơ cấu, đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
Tỉnh đã thực hiện rà soát, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và tiếp tục xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, dự án sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp theo hướng bền vững.
Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển khá toàn diện
Thương mại, dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế chung toàn tỉnh. Việc tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính và triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi phát triển thương mại, chính sách tài chính, xuất nhập cảnh,… đã tạo ra môi trường thông thoáng, thuận lợi và thực sự trở thành động lực quan trọng đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước với thị trường Trung Quốc. Các cửa khẩu của tỉnh đã phát huy được vai trò là trung tâm chuyển giao quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc. Hàng năm thường xuyên có trên 2.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong cả nước tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2015 ước đạt 3.500 triệu USD, gấp 1,7 lần năm 2010, bình quân hằng năm tăng 11,04%, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1.550 triệu USD, tăng 16,44%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.950 triệu USD, bình quân tăng 7,65%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu qua địa bàn là ô tô, linh kiện ôtô, máy móc, hóa chất, hoa quả tươi... Hàng xuất khẩu chủ yếu là hoa quả, tinh bột sắn, hàng thuỷ hải sản,...
Xuất khẩu địa phương đạt năm 2015 ước đạt 96 triệu USD, bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2015 tăng 16,78%/năm, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu đến năm 2015 đạt 90 triệu USD; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của địa phương gồm: Hoa hồi, nhựa thông, thạch đen, ván bóc, các mặt hàng nông, lâm sản (thuốc lá, gừng, nghệ, hoa quả các loại...).Thị trường xuất khẩu hàng địa phương ngày càng mở rộng: Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, một số mặt hàng như hoa hồi, tinh dầu hồi, gỗ bóc,… đã có mặt trên một số thị trường khác như EU, Ấn Độ, các nước ASEAN…
Thương mại nội địa ngày càng phong phú và đa dạng, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ năm 2015 ước đạt 13.700 tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 12,71%. Thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hệ thống phân phối bán lẻ tương đối đa dạng, cơ bản cung ứng đầy đủ, kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho đời sống và sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn. Tại thành phố Lạng Sơn và một số khu vực cửa khẩu đã và đang hình thành, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, bến bãi, nhà hàng, khách sạn..., chợ ở khu vực nông thôn được mở rộng. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực, không để hình thành các tụ điểm lớn, phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại.
Phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020
Lạng Sơn đã xây dựng những mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2016 - 2020 là: tiếp tục nỗ lực phấn đấu thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, duy trì ổn định và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động Hội nhập kinh tế Quốc tế. Phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại, phát triển thị trường nội địa, làm tốt công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra.
Các chỉ tiêu chính: Về giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt trên 10,2 %/năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 11,54%/năm. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,56%/ năm, trong đó xuất khẩu địa phương phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9,34%/năm. Kim ngạch nhập khẩu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8,56%/ năm.
Cục CNĐP (ARID)