Hoạt động sản xuất công nghiệp
Ước thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 16.602 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn ước đạt 8,77%/năm (năm 2010 đạt 2.743 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 3.766 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với tăng trưởng bình quân cả nước (ước khoảng 6,5%). Trong đó: Công nghiệp khai thác ước đạt 1.978 tỷ đồng, giảm từ 523 tỷ đồng năm 2010 xuống 335 tỷ đồng năm 2015, giảm bình quân 8,5%/năm; Công nghiệp chế biến ước đạt 8.820 tỷ đồng, tăng từ 1.365 tỷ đồng năm 2010 lên 2.073 tỷ đồng năm 2015, tăng bình quân 8,7%/năm; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước ước đạt 5.345 tỷ đồng, tăng từ 796 tỷ đồng năm 2010 lên 1.283 tỷ đồng năm 2015, tăng bình quân 10%/năm; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 361 tỷ đồng, tăng từ 59 tỷ đồng năm 2010 lên 74 tỷ đồng năm 2015; tăng bình quân 4,8%/năm.
Năm 2012 các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ..., do vậy giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) giảm so với năm 2011. Từ năm 2013 sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi, mặc dù một số sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ, bên cạnh các lĩnh vực có sự duy trì ổn định về sản xuất và tiêu thụ như: điện, nước, đã có sự phục hồi nhiều sản phẩm tăng khá như: xi măng, hạt đá mài, ván bóc và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng… Riêng sản phẩm xi măng sau khi nhà máy xi măng Đồng Bành được tái cơ cấu, đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
Dự báo, sản xuất công nghiệp năm 2015 sẽ tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng các doanh nghiệp đã bắt đầu bước ra khỏi giai đoạn khó khăn và sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ sở sản xuất có quy mô và giá trị sản lượng lớn đã có nhiều đổi mới để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số Khu công nghiệp, cụm công nghiệp bắt đầu hình thành, một số dự án thủy điện sẽ đi vào hoạt động, các dự án đầu tư đã được xây dựng sẽ phát huy hiệu quả và đóng góp vào sự tăng trưởng.
Một số sản phẩm chính có sự tăng trưởng khá như: Điện thương phẩm tăng từ 250 Tr.Kwh năm 2010 lên 540 Tr.Kwh năm 2015, tăng bình quân 16,7%/năm; xi măng tăng từ 238 nghìn tấn năm 2010 lên 580 nghìn tấn năm 2015, tăng bình quân 19,5%/năm; nước máy tăng từ 5.230 nghìn m³ năm 2010 lên 7.500 nghìn m³ năm 2015, tăng bình quân 7,5%/năm; chì thỏi tăng từ 2000 tấn năm 2010 lên 5000 tấn năm 2015, tăng bình quân 20,1%/năm.
Sản xuất công nghiệp từng bước khai thác được thế mạnh tiềm năng sẵn có như: sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, chế biến lâm sản... Năng lực sản xuất mới được tăng thêm như: Hạt mài Corindon, chì thỏi, ván bóc...
Hoạt động Thương mại nội địa
Ước thực hiện giai đoạn 2011-2015 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đạt 54.417 tỷ đồng, tăng từ 7.532 tỷ đồng năm 2010 lên 13.700 tỷ đồng năm 2015, tăng trưởng bình quân đạt 12,7%/ năm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp.
Hoạt động Xuất nhập khẩu
Ước thực hiện giai đoạn 2011- 2015 kim ngạch xuất nhập ước đạt 13,05 tỷ USD, đạt 110,9% kế hoạch, tăng từ 2,07 tỷ USD năm 2010 lên 3,5 tỷ USD năm 2015, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu là đến năm 2015 đạt 3,0 tỷ USD), tăng trưởng bình quân đạt 11%/năm trong đó: Kim ngạch xuất khẩu cả giai đoạn ước đạt 6,24 tỷ USD, đạt 170,6% kế hoạch; tăng từ 724 Tr.USD năm 2010 lên 1,65 tỷ USD năm 2015 đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu là đến năm 2015 đạt 986 Tr.USD), tăng trưởng bình quân đạt 17,9%/năm; Kim ngạch nhập khẩu cả giai đoạn ước đạt 6,18 tỷ USD, tăng từ 1,35 tỷ USD năm 2010 lên 1,85 tỷ USD năm 2015, tăng trưởng bình quân đạt 6,5%/năm.
Kim ngạch xuất khẩu địa phương ước đạt 361 Tr.USD, đạt 101,8% kế hoạch, tăng từ 44,2 Tr.USD năm 2010 lên 96 Tr.USD năm 2015 đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu đến năm 2015 đạt 90 Tr.USD), tăng trưởng bình quân 16,8%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của địa phương gồm: Hoa hồi, nhựa thông, thạch đen, ván bóc, các mặt hàng nông, lâm sản (thuốc lá, gừng, nghệ, hoa quả các loại...). Thị trường xuất khẩu hàng địa phương ngày càng mở rộng: Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, một số mặt hàng như hoa hồi, tinh dầu hồi, gỗ bóc,… đã có mặt trên một số thị trường khác như EU, Ấn Độ, các nước ASEAN… Số lượng doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, kinh doanh XNK của tỉnh tăng lên về số lượng và mở rộng quy mô.
XNK qua địa bàn đã đạt được thành tích đáng khích lệ, đặc biệt là năm 2012 và năm 2013 kim ngạch xuất khẩu vượt kim ngạch nhập khẩu. Những kết quả đạt được đáng khích lệ của ngành công thương Lạng Sơn trong giai đoạn 2010-2015 sẽ là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát huy, tận dụng tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của địa phương phát triển trong thời gian tới.
Như Kim (ARID)