Trong những năm qua, bằng nguồn vốn từ chính sách khuyến công của Nhà nước, Trung tâm Khuyến công, Tư vấn phát triển công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng Lào Cai (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, góp phần giúp các cơ sở sản xuất CNNT ngày càng phát triển mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường.


Cùng với nhiều nội dung chương trình khác, Trung tâm đã có những đóng góp tích cực trong việc đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao cung cấp cho các doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình sản xuất. Hàng năm, qua quá trình rà soát thực tế ở địa phương để nắm bắt được nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, Trung tâm phối hợp với các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng được nguồn lực lao động ngay tại địa phương.

 

Trong giai đoạn từ 2006 – 2013, với tổng kinh phí 3.194 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị sản xuất CNNT trên địa bàn tổ chức đào tạo nghề cho hơn 3.000 lao động, góp phần tích cực giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực của mình (đa số các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do không có nguồn lao động trình độ cao). Nếu như trước đây, hầu hết số công nhân vào làm việc tại các đơn vị sản xuất đều là lao động phổ thông chưa qua đào tạo hoặc tay nghề chưa thông thạo, mỗi khi tuyển dụng công nhân là các doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn để tự đào tạo.

 

Từ khi có sự hỗ trợ từ chính sách khuyến công của nhà nước, sự nỗ lực của cán bộ Trung tâm trong phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề và các cơ quan liên quan tổ chức các lớp đào tạo nghề cho đội ngũ công nhân đã được thực hiện bài bản và hiệu quả hơn. Sau mỗi khóa học, không những anh chị em công nhân được đào tạo nghề mà họ còn được cấp giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo nghề. Đây thực sự là nguồn lao động tay nghề cao góp phần to lớn giúp cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển ổn định. Ngoài việc đào tạo mới tay nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động thì công tác đào tạo nghề còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì, phát huy và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 

Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề thời gian qua, Trung tâm đã xác định chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thế mạnh và phù hợp với nhu cầu, trình độ của lao động nông thôn. Lợi ích sát sườn của công tác đào tạo nghề chính là nhân cấy nghề mới, duy trì và phát triển nghề truyền thống, nâng cao tay nghề và trình độ cho người lao động thông qua các đề án, hoạt động khuyến công.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế như: Học viên đầu vào có trình độ không đồng đều, ý thức lao động công nghiệp và năng lực tiếp thu cũng rất khác nhau. Chưa có hệ thống giáo trình thống nhất về đào tạo nghề, mô hình đào tạo nghề và cơ sở vật chất kỹ thuật của các đơn vị có chức năng dạy nghề chưa phù hợp với thực tế sản xuất tại cơ sở sản xuất CNNT, chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề đối với các chương trình chưa đồng nhất, mức hỗ trợ chưa thực sự khuyến khích người lao động nhiệt tình tham gia,...

 

Trong thời gian tiếp theo, để làm tốt và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, Ban lãnh đạo Trung tâm xác định cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với dạy nghề cho lao động nông thôn đến người dân trên địa bàn. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên định hướng phát triển của địa phương và theo nhu cầu của người lao động. Bên cạnh đó, nội dung đào tạo sẽ được chú trọng vào những ngành nghề phổ biến, gắn liền với nhu cầu của bà con nông dân, tạo điều kiện giúp bà con áp dụng kiến thức ngay vào thực hiện sản xuất. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, tạo điều kiện cho các học viên tham quan các mô hình sản xuất ngay trong quá trình học. Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

 

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, công tác khuyến công của Lào Cai trong năm 2014 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và góp phần giúp các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - một trong những tiêu chí quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Hải Đoan