Khuyến công địa phương
Hiện nay, việc thu hoạch đay ở Long An chủ yếu được làm thủ công từ khâu chặt, phá ngọn, bó, gom… Vì vậy, hiệu quả kinh tế thấp nhưng chi phí cho khâu thu hoạch lại rất cao, tốn nhiều công sức lao động và thời gian.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Long An đã phối hợp với cơ sở sản xuất Nhựt Thành, phường 2, thị xã Tân An thực hiện việc ứng dụng, thử nghiệm từ máy cắt lúa rải hàng sang máy cắt đay xếp dãy. Việc cải tiến thực hiện ở đầu cắt lúa xếp dãy cho phù hợp với đặc tính của cây đay; đồng thời thiết kế, chế tạo mới một số chi tiết và hoàn chỉnh bộ phận cắt đay, chế tạo và bố trí lại bộ phận đỡ và kẹp cây, bộ phận chuyển cây. Kết quả cho thấy máy cắt đay cải tiến hoạt động rất tốt. Hệ thống dao cắt được tất cả các cây đay trên ruộng; bánh lồng sắt di chuyển tốt trên ruộng ngập nước; cụm dây đay mấu gạt và đĩa hình sao, bộ phận lò xo ép hoạt động tốt; bộ phận xích tải cánh gạt trên cao hoạt động ổn định. Tuy nhiên, do ruộng đay không được gieo trồng theo hàng nên mật độ, chiều cao, kích thước… của cây đay trên cùng một ruộng đay không đều đã phần nào hạn chế khả năng hoạt động của máy.
Theo Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Long An, nếu thu hoạch theo phương thức truyền thống, mỗi ngày cần 20-25 công nhân lao động phổ thông với chi phí 1.500.000 đồng để thu hoạch một ha đay. Trong khi đó, sử dụng máy thu hoạch đay thì chỉ cần chi phí 872.500 đồng/ha, tiết kiệm được 627.500 đồng/ha từ khâu thu hoạch. Đó là chưa kể việc thu hoạch bằng máy không chỉ rẻ mà còn nhanh, giúp bà con thu hoạch đúng thời vụ và đảm bảo lợi ích cao nhất cho người trồng đay.
Được biết, cây đay ở Long An đã trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Để sản xuất được 100.000 tấn bột giấy/năm, nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 600.000 tấn đay tươi, thuộc vùng nguyên liệu khoảng 15.000 ha. Ngoài ra, cây đay trồng ở Long An còn cung cấp cho Nhà máy Đay Gan-di và Công ty Đay Sài Gòn.
 

Tin: Hải Long