Rà soát việc ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp của UBND tỉnh về môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư ở các lĩnh vực theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ.
Trong đó, quy định rõ về trợ giúp tài chính; trợ giúp mặt bằng sản xuất; trợ giúp đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; trợ giúp xúc tiến mở rộng thị trường; trợ giúp tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; trợ giúp thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; trợ giúp thành lập Vườn ươm doanh nghiệp.
Các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Long An năm 2014 và 2015, phấn đấu đưa tỉnh lên nhóm “rất tốt”, xếp hạng ở TOP 10 trong kết quả xếp hạng của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong đó có các nhóm giải pháp:
Nhóm giải pháp giảm dần các chỉ số chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập.
Nhóm giải pháp để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất khi có được mặt bằng để kinh doanh hoặc đầu tư.
Nhóm giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận các thông tin và tư liệu của tỉnh về kế hoạch, quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, các chính sách, chủ trương mới… và tăng mức độ tham khảo ý kiến của doanh nghiệp về các thông tin tư liệu này trước khi ban hành để có tác động thiết thực đến lợi ích của doanh nghiệp.
Nhóm giải pháp giảm chi phí thời gian của doanh nghiệp để thực hiện các quy định của Nhà nước như: các thủ tục hành chính, thời gian kiểm tra, thanh tra, tìm hiểu các quy định của pháp luật, tính phức tạp của thủ tục hành chính, số lần đi lại của doanh nghiệp để được giải quyết thủ tục hành chính.
Nhóm giải pháp hạn chế các chi phí không chính thức là để hạn chế việc doanh nghiệp phải trả các khoản chi phí ngoài quy định cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm trục lợi khi thực hiện các dịch vụ cho doanh nghiệp.
Nhóm giải pháp thực hiện tính cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thể hiện không có sự ưu ái, tạo thuận lợi, tạo ưu tiên, đặc quyền, miễn giảm thuế riêng cho từng loại hình, qui mô doanh nghiệp.
Nhóm giải pháp về tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh thể hiện sự sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh.
Nhóm giải pháp về khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thực hiện chính sách phát triển kinh tế tư nhân thông qua cung cấp thông tin tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu, cụm công nghiệp, cung cấp các dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp.
Nhóm giải pháp về đào tạo lao động thể hiện qua các nỗ lực thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp của tỉnh và giúp người lao động tìm kiếm việc làm.
Nhóm giải pháp nâng cao khả năng đáp ứng của các thể chế pháp lý như tạo lòng tin của doanh nghiệp đối với hệ thống của các cơ quan tư pháp của tỉnh trên cơ sở hiệu quả từ hoạt động của các thiết chế này trong giải quyết các tranh chấp hoặc là nơi mà doanh nghiệp có thể khiếu nại về các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương.
Nhiệm vụ chung để thực hiện các giải pháp nâng cao năng lưc cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 và 2015 là:
Tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI) năm 2014; phổ biến đến tất cả các bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức có liên quan nhận thức rõ nội dung 10 chỉ số thành phần của chỉ số PCI để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị mình theo sát nội dung của các chỉ số thành phần PCI. Các sở, ngành và địa phương gởi kế hoạch PCI 2014 chi tiết của đơn vị mình về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh vào đầu tháng 8 năm 2014.
Các sở, ngành, địa phương thực hiện rà soát để kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của đơn vị mình và các đơn vị cùng thực hiện. Bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm cao, tận tình và thân thiện với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương trong đối thoại với doanh nghiệp cần nghiêm túc nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại để kịp thời khắc phục; tích cực thực hiện các biện pháp cụ thể để xử lý, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Tổ chức sơ kết công tác tiếp nhận đầu tư trong và ngoài khu, cụm công nghiệp. Thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Long An năm 2014 ở một số ngành và địa phương. Tổ chức học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác nâng cao chỉ số PCI.
Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể; trong đó đối với Sở Công Thương:
Tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp từ nguồn kinh phí khuyến công và từ ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp giai đoạn 2013 – 2015.
Thực hiện nâng cấp trang web có ngoại ngữ tiếng Anh theo phương án do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn. Phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp ở vùng nông thôn tiếp cận nội dung, chương trình khuyến công; cải tiến công tác xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án khuyến công; củng cố và xây dựng tốt mạng lưới cộng tác viên khuyến công.
Sở Công Thương Tỉnh Long An